Bài cuối: Tập trung tháo điểm nghẽn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 16/05/2020
Nhận diện những điểm nghẽn
Trên thực tế, dù được coi là điểm đến hấp dẫn, song việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, là điểm yếu của Việt Nam trước nhu cầu thu hút nguồn vốn này.
Trước tiên, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông dù đã cải thiện rất đáng kể nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa. Hiện, chi phí cho hoạt động logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng giá thành hàng xuất khẩu, cao hơn hẳn so với các nước khu vực châu Á, cao gấp hai lần so với các nước châu Âu.
Theo ông Will Mackereth - Tiểu ban Vận tải và hậu cần (EuroCham), cải thiện hạ tầng giao thông để phục vụ logistics là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, giúp kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian giải phóng hàng hóa lâu hơn đã làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Điểm nghẽn tiếp theo là thiếu và yếu về năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó chưa thể đáp ứng nguồn cung tại chỗ cho các dự án đầu tư nước ngoài. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện mới có khoảng 300 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia cung ứng linh kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, do đó tỷ lệ nhập khẩu phụ tùng, linh kiện còn lớn.
Trong khi, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ cung ứng phụ tùng, linh kiện của doanh nghiệp Việt Nam cho các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn kém so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Một vấn đề “nổi cộm” nữa là tình trạng thiếu nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điểm yếu này đã được nhận diện từ lâu, nhưng chuyển biến chậm và luôn được xác định là “điểm trừ” của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lực lượng lao động có tay nghề cao, cán bộ quản lý cấp cao chưa đáp ứng nhu cầu đón nhận dòng vốn chuyển dịch của các tập đoàn quốc tế.
Kiên trì cải thiện môi trường đầu tư
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để khắc phục điểm nghẽn, đón làn sóng đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập hợp, nghiên cứu xu hướng đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng, từ đó tham mưu chính sách, kế hoạch hành động phù hợp. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo đúng tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TƯ ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại đề xuất, bên cạnh việc các khu công nghiệp, chế xuất chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng, cung ứng nhân lực..., quan trọng hơn vẫn là cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án.
Còn ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng “đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để gỡ từng vướng mắc”, bảo đảm các cam kết, chủ trương lớn được triển khai trong toàn hệ thống. Ví dụ, yêu cầu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch là cấp thiết. Hiện, Chính phủ Hoa Kỳ đã dành ra khoản ngân sách hơn 100 tỷ USD hỗ trợ đối tác thực hiện các hợp đồng với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà đầu tư của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nguồn vốn này.
Đối với công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã đề xuất một số chính sách ưu tiên về vốn, đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tăng sức mạnh, tận dụng lợi thế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng thông tin, Chính phủ, cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng nêu quan điểm, vừa tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ doanh nghiệp trong nước; tạo điều kiện để một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước dồn lực mua lại doanh nghiệp nước ngoài thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng để tiến tới làm chủ công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao đạo đức công vụ, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo lại nguồn nhân lực…, cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nói riêng. Coi thu hút đầu tư nước ngoài là một trong 5 mũi giáp công giúp nền kinh tế “như chiếc lò xo bị nén sẵn sàng bung ra”, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, đưa nền kinh tế bật dậy, phát triển trong thời gian tới.