Nguy cơ mới với trẻ em trong đại dịch Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 17/05/2020
Trong buổi họp báo trực tuyến vào ngày 15-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này đang nghiên cứu khả năng có mối liên quan giữa dịch Covid-19 với Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS). Những trẻ em mắc căn bệnh này có triệu chứng giống với sốc do trúng độc và bệnh Kawasaki (viêm mạch máu hệ thống cấp tính) bao gồm sốt cao, phát ban, sưng hạch, gặp các vấn đề về tiêu hóa và trong những ca bệnh nặng còn gây viêm cơ tim và thiếu máu cục bộ. Theo quan chức WHO, các báo cáo ban đầu đưa ra giả thuyết rằng PIMS có liên quan tới dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu hiện nay, đồng thời kêu gọi các y, bác sĩ trên khắp thế giới cảnh giác và hỗ trợ nhằm giúp hiểu rõ hơn về hội chứng này ở trẻ em.
Lời kêu gọi của Tổng Giám đốc WHO được đưa ra sau khi Mỹ và các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Italia và Tây Ban Nha ghi nhận hàng loạt ca mắc PIMS và đã có trường hợp tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, hội chứng này đã ảnh hưởng tới ít nhất 230 trẻ em ở châu lục, trong đó có 1 trường hợp ở Anh và 1 trường hợp ở Pháp đã tử vong. Còn ở bang New York, tâm điểm của dịch Covid-19 tại Mỹ, cơ quan y tế bang này đang điều trị và tìm kiếm nguyên nhân khiến khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi 5-14 mắc PIMS, trong đó có 3 em đã tử vong. Trong số đó, có tới 52 trường hợp sống tại thành phố New York. Phát hiện cũng khiến các bác sĩ Mỹ phải lật lại hồ sơ của 73 bệnh nhi có các triệu chứng tương tự. Những bệnh nhi này dương tính với Covid-19 nhưng chưa có triệu chứng lạ lúc mới nhập viện.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo bày tỏ quan ngại trẻ em có thể không an toàn trước dịch Covid-19 như những đánh giá trước đây. Trước đó, trẻ em được xếp vào nhóm đối tượng ít gặp rủi ro hơn so với người lớn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, chỉ có khoảng 1-2% người dưới 20 tuổi nhiễm Covid-19. Các trường hợp trẻ em dương tính cũng hiếm có ca bệnh nặng hay tử vong. Vì vậy, những tác động của dịch Covid-19 tới trẻ em thường được xem xét từ khía cạnh xã hội, giáo dục và nhân đạo, như việc trường học đóng cửa, thiếu hụt vắc xin phòng các bệnh khác…
Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định mối liên hệ rõ ràng giữa Covid-19 với PIMS do nhiều trẻ em mắc hội chứng này lại không dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế nhi khoa Cohen ở thành phố New York cho biết, các trường hợp mắc hội chứng này chủ yếu xuất hiện 4-6 tuần sau khi một đứa trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 và đã phát triển kháng thể. Giới khoa học Mỹ cũng đang xem xét liệu PIMS có liên quan tới gen hay không. Các chuyên gia y tế khẳng định, điều quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng và cẩn trọng tìm hiểu về nguyên nhân, hậu quả cũng như các biện pháp can thiệp điều trị cần thiết. Bên cạnh đó, các nỗ lực tìm giải pháp cho đại dịch Covid-19 cũng cần được gấp rút thực hiện, bởi dịch bệnh chỉ có thể bị đánh bại khi tìm ra vắc xin cùng thuốc chữa bệnh và phân phối công bằng tới các nước xuất hiện dịch.