Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Nguồn cảm hứng cho văn học, nghệ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 17/05/2020
Cái đẹp, sự nhân văn và đạo đức cách mạng
Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vừa qua cho thấy, một lực lượng lớn người sáng tạo đang tìm tòi, sáng tác và quảng bá ở mảng đề tài ý nghĩa này. Trong gần 2 năm qua, đã có 6.000 tác phẩm của các tác giả trong, ngoài nước và cả người nước ngoài tham gia.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá, các tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhưng đều có chung ngôn ngữ là cái đẹp, sự nhân văn và đạo đức cách mạng trong sáng. Điều đó thể hiện ở các nhân vật, mảnh đất, câu chuyện được phản ánh và lan tỏa, đồng thời ở chính những người đang dấn thân vào công cuộc sáng tạo.
Được chú ý nhiều nhất là lĩnh vực văn học với sự vào cuộc của nhiều tên tuổi lớn. Giáo sư Phong Lê đã dành nhiều tâm huyết với tác phẩm “Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh”, nhằm khẳng định những giá trị vừa thời sự, vừa vĩnh cửu trong sáng tác của Bác, qua đó làm sáng tỏ nguồn sức mạnh tinh thần vĩ đại mà Người đem lại cho dân tộc. Tiểu thuyết “Cánh cung đỏ” được nhà văn Hà Lâm Kỳ viết từ những nhân vật có thật, thực hiện tốt mệnh lệnh của Đảng và Bác Hồ, làm nên những chiến thắng đột phá trong kháng chiến và hòa bình… Đặc biệt phải kể đến nhà thơ Cuba Félix Pita Rodríguez với hai bài thơ “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ” tràn đầy niềm yêu kính dành cho lãnh tụ và đất nước Việt Nam.
Sân khấu và điện ảnh có nhiều tác phẩm lan tỏa sâu rộng trong đời sống, cũng được vinh danh trong giải thưởng lần này. Trong đó, tiêu biểu là phim tài liệu “Lão gàn Hồ Mơ” về người 30 năm thầm lặng bảo vệ rừng, hay “Ông Hai Lúa” về ông vua giống lúa của miền Tây Nam Bộ, đã đến với khán giả trong nước và quốc tế. Vở kịch “Trở về” (Nhà hát Công an nhân dân) hay “Cánh đồng rực lửa” (Sân khấu kịch Quốc Thảo) với ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ, hiện đại đã góp phần truyền lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay…
Trong âm nhạc và múa, nhiều tác giả, nghệ sĩ trẻ mạnh dạn sáng tạo về chủ đề này để lại dấu ấn, như Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly với tác phẩm múa đương đại “Dũng sĩ rừng Sác”, tác giả Nguyễn Hải Trường với vở múa “Côn Đảo ngày trở về”, tác giả Chẩm Hồng Giang với ca khúc “Dâng Người ngàn hoa chiến công”… Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, văn nghệ sĩ đứng trước chủ đề này phải đặt cả trái tim vào tác phẩm, đồng thời sử dụng nhuần nhị ngôn ngữ đặc thù để truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các nhân vật.
Sinh hoạt chính trị, văn hóa thường xuyên
Nhiều năm qua, việc sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được sự hưởng ứng sâu rộng của giới văn nghệ sĩ cả nước. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, bên cạnh trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, thì thực tế ăm ắp tư liệu đã khiến họ say sưa tìm tòi, khám phá và thể hiện. Những tấm gương tiêu biểu là nguồn cảm hứng sáng tác của văn học, nghệ thuật và văn học, nghệ thuật với sức hấp dẫn, thu hút đang tích cực góp phần lan tỏa, nhân rộng những người, những việc ý nghĩa.
Là đạo diễn bộ phim “Biên cương” ca ngợi sự quả cảm của những chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Đi khắp đất nước để tìm chất liệu và cảm hứng sáng tác, tôi chưa bao giờ thất vọng, bởi thấy có rất nhiều người đang thầm lặng cống hiến và đóng góp cho cuộc sống thêm tươi đẹp”. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt cũng tiết lộ đang ấp ủ và hy vọng thực hiện được một phim truyện tại hải đảo, để góp phần tôn vinh và nhân lên niềm tự hào về những chiến sĩ và người dân kiên cường nơi đây.
Ở một trải nghiệm khác, tác giả Chẩm Hồng Giang cho biết, tham gia vào chủ đề này cũng chính là quá trình để người sáng tác tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, thấm nhuần tư tưởng của Người. Vì thế, với ca khúc “Dâng Người ngàn hoa chiến công”, tác giả này đã dành 6 năm sáng tác. “Khi đã thông suốt và đủ trải nghiệm thì việc chuyển hóa chủ đề này vào trong tác phẩm dễ dàng hơn, dù chỉ bằng ngôn ngữ, hình tượng giản dị, gần gũi”, tác giả Chẩm Hồng Giang nhấn mạnh.
Tuy đây là chủ đề hấp dẫn và đang tiếp tục ghi nhận những cuộc dấn thân mới, nhưng để sáng tác được tác phẩm có sức lay động, cảm hóa công chúng hiện nay là thách thức với người sáng tạo. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, để có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, đặc sắc, xứng tầm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, người sáng tác phải tìm những rung cảm mới và thể hiện bằng góc nhìn hôm nay. Trong đó, sự chân thật, giản dị, tự nhiên là những yếu tố để tác phẩm dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, ngoài việc sáng tác, vấn đề quảng bá cũng cần được tác giả và các đơn vị chú trọng. Bởi qua đó, những người, những việc tiêu biểu được lan tỏa, cảm hóa, thôi thúc nhiều người làm theo, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành sinh hoạt chính trị, văn hóa tích cực, thường xuyên trong đời sống.