Cảm xúc từ những “điểm hẹn tháng Năm”
Văn hóa - Ngày đăng : 06:22, 17/05/2020
Luôn có Bác trong tim
“Luôn có Bác trong tim” là chủ đề của triển lãm chuyên đề vừa ra mắt công chúng tại Bảo tàng Lịch sử quân sử Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, quận Ba Đình). Trong không gian trưng bày nổi bật cùng nền đỏ trầm ấm, gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam được sắp đặt trang trọng, đan xen, thể hiện chủ đề một cách mạch lạc, xuyên suốt.
Ông Phạm Văn Nam, cựu chiến binh phường Bồ Đề (quận Long Biên) cùng đồng đội tới thăm bảo tàng nhân dịp khai mạc Triển lãm “Luôn có Bác trong tim”, chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi thấy lại bản viết tay của Người ra lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, các tài liệu Người dịch và biên soạn phục vụ cho công tác huấn luyện cán bộ quân sự hay chiếc loa truyền thanh Người vẫn dùng để nghe tin tức, tình hình chiến sự qua Đài Tiếng nói Việt Nam...”.
Cũng trong dịp này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) triển khai chuỗi chương trình đặc biệt mang tên “Tháng Năm nhớ Bác”, kéo dài từ ngày 1 đến 31-5. Điểm nhấn của sự kiện chính là hoạt động “kể chuyện Bác Hồ”, được tổ chức tại 3 cụm đồng bào. Cụ thể, đồng bào dân tộc Tày kể chuyện Bác Hồ hoạt động cách mạng, xây dựng căn cứ địa tại Cao Bằng; đồng bào Tây Nguyên ôn lại những kỷ niệm về Bác, vẫn được lưu giữ tại không gian ngôi nhà truyền thống của những người con mang họ Hồ ở Tây Nguyên; đồng bào Nam Bộ kể về những tấm gương học tập và làm theo Bác.
Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung, già làng, trưởng bản, nghệ nhân chính là người trực tiếp kể lại những câu chuyện Bác Hồ với đồng bào của mình. Cùng với đó là tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, như: Chương trình nghệ thuật “Quà tháng Năm dâng Người”; trưng bày tư liệu, hiện vật về Người tại không gian nhà sàn, nhà rông...
Nghệ nhân Lò Thị Tóm (dân tộc Thái) - người từng có dịp được gặp Bác nay lại tham gia kể chuyện về Người, xúc động nói: “Được tham gia các chương trình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mong muốn cùng hòa ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, tăng cường giao lưu, tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc”.
Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác
Những ngày tháng Năm lịch sử là dịp các bảo tàng, di tích, điểm đến văn hóa, lịch sử tổ chức các hoạt động, việc làm ý nghĩa, nhằm tôn vinh lãnh tụ thiên tài với những phẩm chất cao đẹp, từ đó đẩy mạnh giáo dục truyền thống, thúc đẩy lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể kể đến, Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, quận Ba Đình) với chuỗi hoạt động: Trưng bày chuyên đề chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động; Trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”; Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, Đại sứ hòa bình và hữu nghị của nhân dân thế giới". Các di tích: Nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập; Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến... cũng được chỉnh trang, bổ sung trưng bày, tạo điểm nhấn ấn tượng trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy, các hình thức tôn vinh Bác tại nhiều bảo tàng, di tích được triển khai đa dạng, phong phú đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh, dù chỉ mới mở cửa trở lại trong một vài ngày gần đây, song nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô, nhất là các điểm đến văn hóa, lịch sử in dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút khá đông du khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập, cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của những điểm đến này trong thời gian gần đây.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các bảo tàng, di tích, tạo thành đợt tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau dịp kỷ niệm là chủ trương lớn của ngành Văn hóa. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, các bảo tàng, di tích cần chú trọng chỉnh trang, bổ sung trưng bày cũng như triển khai các chương trình, sự kiện góp phần lan tỏa những câu chuyện gần gũi, sống động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân; củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.