Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 17/05/2020
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính cách mạng triệt để và tính nhân văn sâu sắc. Hồ Chí Minh coi yêu nước là chuẩn mực đạo lý cao nhất trong làm người. Yêu Tổ quốc gắn liền với yêu nhân dân. Tư tưởng yêu nước, thương dân của Hồ Chí Minh là một động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi người dân cũng như toàn dân tộc đều phải có độc lập, tự do và hạnh phúc. Yêu nước đồng thời yêu Chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng Việt Nam thành một xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Để hoàn thành sự nghiệp đó, người cách mạng, cán bộ, đảng viên cần có đạo đức cách mạng làm gốc. Đó là trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, yêu thương con người và có tinh thần quốc tế trong sáng. Đảng cầm quyền và mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện để trở thành người công bộc tận tụy phục vụ nhân dân, là người đầy tớ trung thành của nhân dân để thực hiện nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa, trong đó nhân dân là người chủ và có quyền làm chủ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu nước, thương dân luôn là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết một lòng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là động lực quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Tư tưởng yêu nước, thương dân
Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân đoàn kết thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Ông Lê Khương Duy, cán bộ văn hóa xã Cổ Đô (huyện Ba Vì):
Xã Cổ Đô là một địa phương có vinh dự được Bác Hồ về thăm, được Bác căn dặn những điều giản dị nhưng thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Làm theo lời Bác và học tập tấm gương vì nước vì dân của Người, những năm qua xã Cổ Đô đã nỗ lực xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh nhằm mang đến cho người dân trong xã cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong giai đoạn 2015 - 2020, xã giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm khoảng 5 - 7 % trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 27,6 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 30 triệu đồng/người. Xã Cổ Đô được Thành phố Hà Nội chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và đã đạt chuẩn vào năm 2014.
Xác định sự nghiệp “trồng người” vô cùng quan trọng, công tác giáo dục được xã quan tâm tích cực và đạt nhiều tiến bộ. Quy mô trường lớp được mở rộng, bảo đảm quy hoạch theo hướng chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh lớp 9 thi đỗ vào THPT công lập luôn đứng đầu toàn huyện. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, khai thác vận hành có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; luôn củng cố đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Xã cũng chỉ đạo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đặc biệt, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vào năm 2015 là 12%, đến năm 2019 chỉ còn 9,3%. Bên cạnh đó, công tác chính sách xã hội tại địa phương luôn được bảo đảm, hoạt động tri ân liệt sĩ và người có công được tổ chức thường xuyên...
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội:
Phường Xuân La vinh dự ba lần được đón Bác Hồ về thăm. Qua những lần thăm ấy, Bác để lại ấn tượng về một vị lãnh tụ luôn quan tâm đến đời sống nhân dân từ những điều nhỏ nhất. Lần thứ nhất là ngày 23-11-1958, khi Hợp tác xã Quán La, xã Xuân La, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân La thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội), là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm mô hình Tổ đổi công có hiệu quả, đã được đón Bác Hồ về thăm. Người đã ra đồng thăm xã viên đang thu hoạch lúa mùa. Người vui mừng thấy việc làm ăn tập thể của xã viên ngày càng tốt hơn, và căn dặn: Phải đoàn kết tạo ra sức mạnh trong sản xuất cũng như chiến đấu; tích cực tăng gia sản xuất để có cuộc sống ấm no; thực hành tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới. Ngày 23-11-1964, lần thứ hai Hợp tác xã Quán La vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm, Bác quan tâm đến ngày công lao động, đời sống xã viên, thăm lớp mẫu giáo, cánh đồng lúa và trại chăn nuôi tập thể. Bác khen ngợi, động viên, căn dặn cán bộ xã và nhân dân cố gắng làm thủy lợi, làm thêm phân bón để tăng năng suất lúa, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống nhân dân... Trước đó, ngày 26-4-1964, Bác Hồ đã tới thăm khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III tại đình Xuân Tảo Sở, thôn Vệ Hồ...
Với vinh dự đó, hơn 60 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân phường Xuân La ghi sâu lời Bác dạy, đoàn kết đồng lòng không ngừng phấn đấu, tích cực lao động sản xuất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực, toàn diện trong đời sống xã hội. Phường đặc biệt quan tâm tới đời sống dân sinh, học tập theo tấm gương vì nước, vì dân của Bác. Những năm gần đây, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đều vượt so với kế hoạch, đến năm 2018 không còn hộ nghèo.
Thực hiện lời dạy của Bác, phường luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách đối với người có công và công tác bảo trợ xã hội. 100% người khuyết tật được cấp thẻ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp thường xuyên. Bên cạnh đó, phường rất quan tâm đến công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt được nhiều kết quả. Các cấp trường học trên địa bàn phường đều đạt chuẩn Quốc gia và là điểm sáng của quận Tây Hồ. Đặc biệt, phường đang thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 trong hoạt động hành chính và giải quyết thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của nhân dân ngày càng tăng; các đơn thư, kiến nghị của công dân được giải quyết đúng thẩm quyền...
Năm 2018, nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1958 - 23/11/2018), Khu lưu niệm Bác Hồ đã được đầu tư tu sửa tương xứng với một địa chỉ văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng và đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân Xuân La đối với Bác Hồ kính yêu.