Quyết tâm vượt thách thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 18/05/2020

(HNM) - Ở thời điểm hiện tại, có 9 huyện, thị xã của Hà Nội đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, yêu cầu bắt buộc là phải có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 9 tiêu chí khác.

Trong đó có nhiều tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn, không dễ huy động được ngay. Ví như tiêu chí môi trường với huyện Thường Tín, hay số trường đạt chuẩn quốc gia với Mê Linh (mới có 2/6 trường THPT đạt chuẩn quốc gia)... Chưa kể, nhiều địa phương đã được công nhận nông thôn mới, nhưng việc giữ các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, môi trường… cũng không dễ bởi các yêu cầu về nông thôn mới Hà Nội ngày càng cao. Trong khi đó, việc quy hoạch nông thôn mới gắn với nâng cao các tiêu chí trong tiến trình đô thị hóa để một số huyện trở thành quận như Đông Anh, Gia Lâm đòi hỏi sự đầu tư lớn…

Trên thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới từ trước đến nay đều gặp những khó khăn nhất định, song đều từng bước được hóa giải. Từng giai đoạn, từng thời kỳ, thành phố và mỗi địa phương đều có hướng giải quyết thấu đáo, với mục tiêu không phải chỉ đủ tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mà về lâu dài, đó là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong giai đoạn hiện nay, trước việc 9 huyện, thị xã đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020, thì cả thành phố và các địa phương cũng đề ra giải pháp để thực hiện. Theo đó, thành phố dự kiến sẽ bố trí cho các huyện khoảng 900 tỷ đồng để đầu tư những hạng mục công trình còn thiếu; các địa phương có kế hoạch để tách sản xuất làng nghề khỏi khu dân cư; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Những tiêu chí còn khuyết trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương không nhiều nhưng đều là tiêu chí khó. Do đó phải có những giải pháp mới, đồng thời tạo bước chuyển mới trong nhận thức và hành động của chính quyền cơ sở để huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, mỗi địa phương phải khẩn trương hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ, tìm cách tháo gỡ bằng được những khó khăn đang tồn tại. Tinh thần này đã được đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” nhấn mạnh tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU tổ chức mới đây: “Nhiệm vụ một, quyết tâm mười và giải pháp phải hai mươi”. Trên cơ sở đó, các địa phương cần chủ động lập kế hoạch hàng ngang, chỉ rõ từng việc gắn với phân công nhiệm vụ, có mốc thời gian hoàn thành cụ thể…

Tiêu chí cơ sở hạ tầng là một trong những tiêu chí nan giải nên đã được thành phố gỡ khó bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí. Song, quan trọng là mỗi địa phương phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn này. Đồng thời, phải công khai, minh bạch trong xây dựng các dự án để người dân, doanh nghiệp hiểu, từ đó việc kêu gọi xã hội hóa sẽ thuận lợi hơn.

Mặt khác, để duy trì ổn định và phát huy hiệu quả các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thì điều quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đi đôi với tạo cơ chế để phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo của cộng đồng cư dân, nhằm đưa người dân thật sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Từ đó có những sáng kiến, sáng tạo, những mô hình hay đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Quyết tâm vượt thách thức trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, chắc chắn Hà Nội sẽ vượt khó, hoàn thành các mục tiêu đề ra, sớm về đích xây dựng nông thôn mới.

Thế Văn