Vượt khó khăn - đón cơ hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 18/05/2020
Trước hết, chắc chắn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ phải điều chỉnh so với kế hoạch khi hàng loạt ngành kinh tế vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn loay hoay với dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu - đầu vào cho sản xuất, hay thị trường - đầu ra cho sản xuất, bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh đó, Việt Nam không phải không có cơ hội. Dịch Covid-19 khiến nhiều tập đoàn lớn của trên thế giới tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng, tìm kiếm nơi đầu tư mới an toàn, thay vì phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu. Trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả; thị trường nội địa, với 100 triệu dân đã được khai mở. Và hơn hết, các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội… của Chính phủ đã phát huy hiệu quả trong việc khai thông dòng vốn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đi đôi với đó, Chính phủ tiếp tục đề ra hàng loạt giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phát triển xã hội, như cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ kết nối cung - cầu hàng hóa…
Vấn đề đặt ra hiện nay là cộng đồng doanh nghiệp - những chiến sĩ tiên phong trên “mặt trận” kinh tế sẽ vượt qua khó khăn, đón bắt cơ hội như thế nào?
Thực tế, ngay sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Dù là sự kiện thường niên, nhưng cuộc đối thoại năm nay có quy mô và ý nghĩa lớn hơn hẳn; không chỉ khẳng định quyết tâm của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, mà còn mong muốn doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân cả nước giành chiến thắng trên “mặt trận” kinh tế.
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp phải làm gì, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến “6 đề nghị và 3 giữ”. 6 đề nghị là yêu Tổ quốc phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; đoàn kết để không tự làm yếu mình; không nản chí để tự bỏ cuộc; năng động, quyết đoán để nắm cơ hội; sáng tạo để luôn tiến lên; và niềm tin vào chiến thắng. Nhưng thực hiện được 6 đề nghị phải cần 3 giữ là giữ lao động, giữ thị trường và giữ đạo đức doanh nghiệp.
Suy cho cùng đó vẫn là tinh thần dám nghĩ lớn, làm lớn và hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Đại dịch cho nhiều bài học và cơ hội, giờ là lúc cộng đồng doanh nghiệp hãy liên kết lại với nhau, cùng đứng dậy nắm bắt cơ hội.
Chúng ta còn nhà xưởng, máy móc, người lao động, tại sao không cùng nhau sáng tạo để vượt qua khó khăn?
Chúng ta có thị trường nội địa rộng lớn, tại sao không cùng nhau liên kết tạo ra các chuỗi sản xuất - cung ứng cho 100 triệu dân? Bằng chứng là ngay trong lúc dịch Covid-19 gây ra những khó khăn lớn nhất, chính cộng đồng doanh nghiệp đã sáng tạo, nhạy bén tìm ra cơ hội để duy trì sản xuất, giữ người lao động; chính doanh nghiệp cũng đã khai thông thị trường nội địa hay chủ động tìm kiếm đối tác mới để khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nếu nhìn mặt tích cực từ sự tác động của dịch Covid-19, giờ là lúc doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi. Không phải vô cớ mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam lại khẳng định sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Bởi họ nhìn thấy những cơ hội mới, trước hết Việt Nam là một điểm đến an toàn và ổn định, khi mà dịch Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam một mặt phải đa dạng thị trường mua nguyên vật liệu lẫn thị trường xuất khẩu; mặt khác phải đầu tư tái cơ cấu sản xuất, không thể cứ ở mãi ngoài sân chơi sản xuất toàn cầu. Cách tốt nhất là nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới, không để cơ hội này rơi vào tay các nhà cung ứng ngoại.
Để tạo ra bệ đỡ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết tâm cải cách thể chế kinh tế thực chất và hiệu quả. Bộ máy hành chính ngày càng hoạt động công khai, minh bạch, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ. Đạo đức công vụ, trách nhiệm cá nhân được đề cao… Vì vậy, hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp cùng đoàn kết, cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách.
Như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, nếu khó khăn hai, chúng ta nỗ lực gấp ba, chắc chắn mọi thử thách sẽ đều vượt qua, mọi cơ hội sẽ được tận dụng thành công.