Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 3.000 tỷ USD: Quyết định ẩn chứa nhiều mạo hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 18/05/2020

(HNM) - Với 208 phiếu thuận và 199 phiếu chống, Hạ viện Mỹ - vốn do đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua đạo luật mang tên "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (viết tắt là HEROES - những người anh hùng), nhằm tung thêm gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến với dịch Covid-19 và khôi phục nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc nước Mỹ tung ra các gói hỗ trợ lớn vào lúc này có phần nào ẩn chứa nhiều mạo hiểm.

Nhiều bang của Mỹ đang có nguy cơ thâm hụt ngân sách vì các gói cứu trợ khổng lồ do dịch Covid-19.

Đến nay, chính quyền Mỹ đã thông qua nhiều gói cứu trợ, trong đó nổi bật là gói 2.000 tỷ USD hồi tháng 2-2020 và gói 484 tỷ USD hồi tháng 4-2020 nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kích thích tiêu dùng và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Giới phân tích cho rằng, HEROES sẽ đối mặt với nhiều khó khăn bởi khả năng vượt “cửa ải” Thượng viện Mỹ - vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, là rất hẹp. Trước đó, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ) đã tuyên bố sẽ không quan tâm tới việc xem xét dự luật do phe Dân chủ tại Hạ viện thông qua. Chia sẻ với báo chí, Thượng nghị sĩ McConnell khẳng định: Các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ chỉ ủng hộ dự luật sau khi thảo luận với Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết Tổng thống nhiều khả năng sẽ phủ quyết dự luật này.

Để xoa dịu tình hình, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, HEROES thực chất là “đề xuất mở”, đồng thời bày tỏ hy vọng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể đàm phán và thỏa hiệp để dự luật có thể được thông qua ở Thượng viện. Theo bà Pelosi, đây là sự đầu tư quan trọng cho tính mạng của người dân Mỹ trong bối cảnh hơn 36 triệu người đã mất việc làm vì dịch bệnh và “đang phải chịu đựng quá nhiều và theo nhiều cách khác nhau”.

Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu khảo sát cho thấy, hơn 1/3 số lao động nước này đã mất việc làm hoặc bị giảm giờ làm do dịch Covid-19. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng ghi nhận nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh tài chính bấp bênh từ trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19 và tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi các lệnh phong tỏa kinh tế được áp dụng.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, gói cứu trợ 3.000 tỷ USD sẽ phân bổ gần 1.000 tỷ USD cho các tiểu bang và chính quyền địa phương; chi 1.200 tỷ USD để tặng mỗi người dân Mỹ khoản tiền 1.200 USD (tối đa 6.000 USD cho một hộ gia đình). Nhóm nhân viên y tế làm việc trong môi trường đặc biệt được trợ cấp thêm 200 tỷ USD, còn các chương trình xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 sẽ nhận được thêm 75 tỷ USD.

Gói cứu trợ mới cũng dành 10 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp nhỏ đang điêu đứng vì đại dịch; và tăng 15% ngân sách cho chương trình hỗ trợ dinh dưỡng liên bang. Ngoài ra, HEROES cũng sẽ cung cấp ngân sách cho dịch vụ bưu chính Mỹ, trong bối cảnh đảng Dân chủ đang hối thúc mở rộng các lựa chọn bỏ phiếu qua bưu điện trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.

Không thể phủ nhận vai trò của các "gói cứu trợ khổng lồ" đối với nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn khó khăn, phải đối mặt nhiều bất định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không được cân đối và sử dụng đúng mức, việc giải ngân các gói cứu trợ khổng lồ liên tiếp nhau có thể khiến nhiều bang của nước Mỹ “phá sản” vì thâm hụt ngân sách. Không ít ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về những bất ổn trong giai đoạn "bình thường mới" sau dịch Covid-19 của nước Mỹ.

Hàng loạt dấu hỏi được các nhà kinh tế đặt ra như: Mối đe dọa dịch Covid-19 tại nước Mỹ đã thực sự được kiểm soát, khả năng vận hành nền kinh tế sau dịch ra sao, các doanh nghiệp nhỏ tại Xứ Cờ hoa có còn đủ sức tồn tại... Chính vì thế, việc nước Mỹ tung ra các gói hỗ trợ lớn vào lúc này có phần nào ẩn chứa nhiều mạo hiểm.

Hoàng Linh