Trung Quốc cam kết tài trợ 2 tỷ USD ứng phó dịch Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 22:31, 18/05/2020

(HNMO) - Chiều 18-5 (giờ địa phương), hội nghị trực tuyến đầu tiên của Đại hội đồng Y tế thế giới với trọng tâm là dịch Covid-19 đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây là sự kiện thường niên của các quan chức y tế cấp cao chính phủ thường kéo dài 3 tuần nhưng năm nay đã bị cắt ngắn chỉ còn trong hai ngày (18 và 19-5).

Hội nghị của Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73 tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo: "Các quốc gia đang theo đuổi những chiến lược khác nhau, đôi khi mâu thuẫn và tất cả chúng ta đang phải trả giá đắt vì điều này". Ông nêu bật vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi nhấn mạnh cơ quan có trụ sở ở Thụy Sĩ này là "không thể thay thế" và cho rằng WHO cần có thêm những nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển. 

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch Covid-19 của cơ quan này vào "thời điểm thích hợp sớm nhất". Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tất cả các quốc gia đều cần rút ra các bài học từ đại dịch lần này. Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đều phải đánh giá cách phản ứng và rút kinh nghiệm từ đó. WHO cam kết minh bạch, có trách nhiệm và không ngừng hoàn thiện. Ngoài ra, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo nguy cơ từ dịch bệnh vẫn ở mức cao và con đường hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch bệnh vẫn còn dài. Ở một số quốc gia, kết quả xét nghiệm huyết thanh học sơ bộ chỉ ra khoảng 20% dân số đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong khi tỷ lệ này là gần 10% ở hầu hết các nước.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh ủng hộ một cuộc "rà soát toàn diện" về cách ứng phó toàn cầu đối với dịch Covid-19 do WHO đứng đầu sau khi dịch bệnh này được kiểm soát. Ông cũng cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong 2 năm giúp ứng phó với Covid-19, đồng thời nhấn mạnh bất cứ vắc xin nào được Trung Quốc phát triển ngừa Covid-19 đều sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Theo bà, WHO là "một cơ quan toàn cầu và hợp pháp" và các nước cần xem xét cách thức để có thể nâng cao chức năng, vai trò của cơ quan này, trong đó có việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững.

Hội nghị của Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73 nhận được nhiều sự chú ý của dư luận trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới đã cướp đi sinh mạng của hơn 317.000 người trên toàn cầu và khiến trên 4,8 triệu người nhiễm bệnh. Đặc biệt, sự kiện diễn ra trong bối cảnh vai trò của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch cũng chịu ảnh hưởng sau khi tháng 4 vừa qua, Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của WHO, tuyên bố đóng băng mọi nguồn tài trợ...

Kim Phượng