Thơ ca như một hình thức để thư giãn tâm hồn
Văn hóa - Ngày đăng : 07:07, 18/05/2020
- Đã có 8 tập thơ với lượng phát hành hàng chục nghìn bản in mỗi cuốn, trong đó, tập đầu tiên “Đi qua thương nhớ” lên tới trên 80.000 bản, anh hẳn có công thức thơ để chinh phục độc giả ngày nay?
- So với các tác giả chuyên nghiệp, tôi không phải là người sáng tác nhiều, mỗi năm chừng 60 bài thơ. Tôi viết đa phần từ cảm xúc của bản thân, về tâm tư, tình cảm và những câu chuyện mình trải nghiệm trong cuộc sống. Khi trong đầu có quá nhiều suy nghĩ, tôi đặt chúng xuống trang viết và thấy nhẹ nhàng hơn. Thật ra, không phải bài thơ nào của tôi cũng hay, tập thơ nào cũng tốt, nhưng may mắn là trong mỗi bài thơ có một vài câu chạm được tới người đọc. Họ thấy đúng với tâm trạng của mình, chia sẻ, trích dẫn trên mạng xã hội thay cho lời muốn nói về cảm xúc bản thân, nên thơ được lan truyền rộng rãi. Từ đó, độc giả thích và ngóng đợi tháng 12 mỗi năm để mua bản in.
- Theo anh, giá trị của thơ ca trong thời đại 4.0 là gì?
- Tôi nghĩ bản chất thơ ca cũng giống các loại hình giải trí như âm nhạc, điện ảnh, giúp mọi người thư giãn tâm hồn. Ở thời đại 4.0, con người theo đuổi nhiều mục tiêu, sống gấp gáp. Mọi người dành nhiều thời gian trên không gian mạng thay vì gặp gỡ, trao đổi trực tiếp. Nên thơ ca với nét đặc thù là sự cô đọng cảm xúc, đôi khi chỉ một câu hoặc một khổ thơ có thể nói hết tâm tư, tình cảm, câu chuyện của một hoặc nhiều người, giúp họ có một khoảng lặng để dừng lại, nhìn thấu bản thân, điều chỉnh mình trước khi lao đi tiếp. Tôi cho rằng, những người yêu thích thơ ca có đời sống nội tâm phong phú và ở thời đại nào cũng có nhiều người như vậy.
- Anh nói rằng thơ ca như hình thức giải trí, nhưng thơ của Nguyễn Phong Việt thường mang nhiều nỗi buồn, niềm đau. Làm sao để truyền năng lượng tích cực đến mọi người qua đó?
- Ai cũng có những nỗi buồn đau, day dứt và tôi chọn cách viết thơ mỗi khi có tâm trạng đó. Viết theo cảm xúc nên đương nhiên những câu chữ cũng sẽ buồn. Tôi khuyên độc giả khi có nỗi niềm đừng tìm đọc cuốn sách buồn mà hãy gặp gỡ người thân để chia sẻ, hoặc đọc cuốn sách, xem phim hài, nghe nhạc vui vẻ để được xoa dịu. Tuy nhiên với những người đủ mạnh mẽ, đọc những cuốn sách buồn như thơ của tôi chẳng hạn, họ sẽ đào sâu và đi đến tận cùng nỗi buồn của mình, nhận ra những bài học kinh nghiệm để bước qua nỗi buồn và hướng đến những điều tích cực.
- Xin hỏi thật, đã bao giờ anh rơi vào thế “bí” khi sáng tác chưa?
- Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường với người sáng tạo, đặc biệt khi làm việc với câu chữ. Có nhiều lúc tôi hình dung câu chuyện muốn kể nhưng triển khai được mấy câu thì không đủ ngôn ngữ để chuyển tải. Những lúc đó, tôi thường gác lại, đọc sách, xem phim để khơi thông. Tôi hay giở lại “Truyện Kiều” và ở đó gặp được nhiều câu chữ giá trị mà ngày hôm nay chúng ta dường như quên mất.
- Công việc làm báo có giúp gì cho thơ của anh?
- Vừa là nhà báo, vừa làm thơ với tôi có nhiều tác dụng. Là nhà báo giúp cho tôi viết thơ tỉnh táo, không lan man, chọn lựa câu chữ chắt lọc, hiện đại hơn. Với tư duy báo chí, câu chuyện trong thơ của tôi được kể mạch lạc, có mở đầu và kết thúc, để người đọc tìm thấy mấu chốt vấn đề trong đó.
- Anh có thể chia sẻ dự định của mình sắp tới?
- Tôi sẽ giữ lời hẹn xuất bản tập thơ thứ 9 của mình vào tháng 12 như mọi năm với tựa đề “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa”. Dự định, hè năm nay, tập tản văn đầu tiên “Chúng ta sống có vui không” sẽ ra mắt.
- Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!