Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 19/05/2020

(HNM) - Những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế với tầm vóc một danh nhân kiệt xuất, lỗi lạc của thời đại, một nhà chính trị tài ba và cũng là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ lớn lao của nhân loại. Cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh” được các chính khách, nhà văn, nhà báo khắp năm châu nhắc tới như một lời khẳng định hình ảnh của Bác luôn gắn liền với dân tộc Việt Nam.

Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7-1957. Ảnh tư liệu

Niềm hy vọng mang tên Hồ Chí Minh

Nữ nhà văn Blaga Dimitrova của Bulgaria từng viết: “Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Vị lãnh tụ mà nhà văn này có may mắn gặp gỡ trong một ngày tháng 10-1966 được miêu tả là một ông cụ vóc người tầm thước, đôi mắt đăm chiêu, mặc bộ quần áo bà ba màu cà phê, chân đi đôi dép cao su. Người đã đặt hy vọng rất sâu sắc vào nhân dân, cũng như nhân dân đặt hy vọng to lớn vào lãnh tụ của mình. 

Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, đồng thời 5 lần lựa chọn hình ảnh Người để đưa lên trang bìa. Sau ngày nước ta hoàn toàn thống nhất, Tạp chí Time đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là “người chiến thắng” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời nhấn mạnh những gì mà Bác Hồ để lại trước lúc ra đi rất ấn tượng. 

Tiến sĩ Modagat Ahmet, nguyên Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương ca ngợi, chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. 

"Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao", Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra đã từng nhấn mạnh. 

Di sản vẹn nguyên giá trị thời đại

Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX sẽ tồn tại mãi mãi. Đó là khẳng định của phóng viên Denis Gray thuộc Hãng thông tấn AP có trụ sở tại Mỹ. Vào đầu tháng 5-2020, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, nguyên là phóng viên Báo Nhân đạo (L’Humanité) cho rằng cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo thành một tổng thể nhân cách, không thể tách rời riêng rẽ bất cứ phẩm chất đạo đức nào. Là một người chân thành, khiêm tốn, không màng danh lợi, ngay cả khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Bác vẫn giữ phong cách sống giản dị. 

Còn nhà văn Australia Allan Asbolt khẳng định, chúng ta phải học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích và bình tĩnh trong những lúc khó khăn; linh hoạt về tư duy và chính trị để xây dựng khối đại đoàn kết xã hội chủ nghĩa; khiêm tốn và gần gũi với nhân dân, có sự đồng cảm để đạt tới sự hòa giải dân tộc; có tinh thần quốc tế mạnh mẽ, sự sáng tạo và nhạy bén về văn hóa. 

Tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cũng như những tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của mình là chân lý không bao giờ thay đổi. Cuốn sách “Hồ Chí Minh - nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam” của Nhà Xuất bản Monde (Pháp) đề cập, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày đất nước toàn thắng nhưng tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn luôn hiện hữu trong lòng mọi người dân Việt Nam. Trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, Người là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc với câu nói đã đi vào lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Minh Hiếu