Các hiệp định thương mại có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 22:13, 20/05/2020

(HNMO) - Chiều 20-5, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Tạo điều kiện để tận dụng tốt các hiệp định thương mại

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012. Sau khi kết thúc đàm phán và tiến hành rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định thì nội bộ Liên minh châu Âu phát sinh một số vấn đề mới, liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên.

Do đó, EU đề xuất tách Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành 2 hiệp định riêng biệt, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. EVIPA gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU...

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sớm thông qua các hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ có nhiều lợi ích, như: Thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; người và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được hàng hóa và máy móc của châu Âu với giá cả phải chăng; dễ tiếp cận các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại đến từ châu Âu; thúc đẩy sớm hoàn thiện thể chế thị trường, đẩy nhanh công tác cải cách hành chính.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị để các hiệp định đi vào cuộc sống cần đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu và tận dụng được cơ hội, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại thị trường này.

Cùng nhận định trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các hiệp định trên là cơ hội tốt cho Việt Nam xây dựng, phát triển các lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh, là “tấm vé” để hàng hóa Việt Nam bước vào thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây vừa là cơ hội, vừa là sức ép cho cả Nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thể chế. Đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định các ngành hàng có thế mạnh tham gia vào thị trường châu Âu để tập trung nâng cao chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cho rằng các hiệp định là cơ hội lớn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trở lại mạnh mẽ sau dịch Covid-19, nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nêu quan điểm, hiệp định được thông qua mới chỉ là mở lối đi, làm sao để tận dụng tốt thì còn là vấn đề "dài hơi" và sẽ gặp không ít khó khăn. “Hiệp định là đường cao tốc và chúng ta phải trả phí để đi trên con đường này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ cùng các cơ quan chức năng rà soát lại các nội dung để trình Quốc hội phê chuẩn các hiệp định.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 9 đại biểu phát biểu và đều nhất trí cho rằng việc phê chuẩn các hiệp định có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Khẳng định các cam kết của Việt Nam về lao động

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Qua các ý kiến thảo luận, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Thực tế, thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Bình (Đoàn thành phố Hải Phòng) nêu ý kiến cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Công ước. Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung Công ước và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc gia nhập Công ước 105 xuất phát từ chính lợi ích của đất nước, thể hiện chủ trương, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, các quy định pháp luật của Việt Nam cũng hoàn toàn nhất quán đối với các quy định của Công ước 105.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự ủng hộ việc Việt Nam gia nhập Công ước 105.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước 105 trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tiến Thành