Chọn lọc bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi

Xã hội - Ngày đăng : 09:51, 21/05/2020

(HNMCT) - Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Thủ đô. Để bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, rất cần cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức. Đó là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Hànộimới Cuối tuần với ông Trương Minh Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Ông Trương Minh Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

- Theo ông, sự hiện diện của gần như tất cả các thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội - Thủ đô của đất nước, có ý nghĩa như thế nào?

- Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng riêng trên địa bàn Hà Nội thì lại có điểm đặc thù. Hà Nội là Thủ đô, ngoài đồng bào dân tộc Mường, Dao đã định cư lâu đời thì còn có nhiều người thuộc các dân tộc khác di chuyển đến do thuyên chuyển công tác, lập gia đình, nhu cầu cá nhân... Dù xuất phát điểm như thế nào thì tất cả đều giữ được hình ảnh các dân tộc thiểu số đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự hiện diện của 50/53 thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô góp phần chứng tỏ rằng Hà Nội thực sự là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát huy nội lực, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

- Nói riêng về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội, xin ông cho biết thực trạng, những vấn đề nổi bật?

- Về mặt mạnh, những cái được, nổi bật nhất là các cấp, ngành, các địa phương đã có nhiều chương trình hành động và nỗ lực thực hiện để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; dành nhiều ưu tiên cho khu vực nông thôn, miền núi khi thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi được nâng cao, có nhiều chuyển biến tích cực. Chúng ta xây dựng được 46 công trình nhà văn hóa thôn bản; tăng cường chất lượng thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung đều đã xây dựng và thực hiện “Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đến năm 2020”. Việc duy trì và thành lập mới các đội cồng chiêng dân tộc Mường; mua sắm nhạc cụ, trang phục truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa... vừa tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi vừa là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới ở các bản làng.

Về những vấn đề tồn tại, có thể thấy đó là hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao; phát huy công năng của hệ thống nhà văn hóa. Một số vấn đề khác như việc duy trì, mở rộng thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục... còn chưa đạt kết quả vững chắc; một số nơi có hiện tượng quay trở lại với việc ăn cỗ cưới nhiều buổi, nhiều mâm cỗ hoặc trong đám tang vẫn còn hủ tục lăn đường, cỗ bàn rườm rà trong lúc tang gia bối rối...

- Có ý kiến cho rằng những khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện sống mà còn từ quan niệm, chính sách còn bất cập...

- Thực tế còn có những cán bộ chưa thực sự gắn bó với hoạt động văn hóa ở vùng dân tộc miền núi nên chưa thực sự hiểu rõ về văn hóa dân tộc thiểu số, từ đó chưa đánh giá đầy đủ về văn hóa cộng đồng, chưa nhiệt tình thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, chưa giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức tốt hơn về giá trị văn hóa truyền thống... Việc có rất ít cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số cũng là một điểm hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đó là những vấn đề cần được khắc phục sớm.

Trang phục người Dao ở Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Quốc Ân

- Trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cần có cái nhìn tổng thể, nhưng không phải là “bê nguyên khối” tất cả các thành tố mà phải chọn lọc những giá trị cốt lõi, đậm đặc bản sắc?

- Đúng vậy! Nhìn tổng thể thì tất cả các thành tố văn hóa của các dân tộc đều có giá trị riêng và đều có lý do xứng đáng để bảo tồn. Tuy nhiên, đời sống xã hội có nhiều thay đổi, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề sát, đúng để không bị tụt hậu. Dù muốn hay không, tất yếu sẽ có một số thành tố văn hóa trở nên lạc hậu và mất đi. Đối với những thành tố văn hóa hiện hữu, phải có sự rà soát, đánh giá cụ thể, từ đó chọn lọc những gì phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đương đại để bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi.

- Đã từng có giải pháp dựa vào các dự án cộng đồng để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cùng với việc phát huy ý thức tự chủ của người dân tộc thiểu số, như vậy thì đã đủ hay chưa?

- Đương nhiên yếu tố quan trọng hàng đầu là phát huy tinh thần, ý thức tự chủ của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thúc đẩy các dự án cộng đồng là một hướng đi đúng, nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ. Phải tập hợp các yếu tố trong tổng thể bao gồm Nhà nước, cộng đồng và các dân tộc thiểu số. Về phía Nhà nước, đó là sự ghi nhận, tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong một thế giới đa văn hóa, từ đó đầu tư có hiệu quả.

Đặc biệt là cần thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” nhằm tạo ra không gian vật chất và văn hóa thuận lợi để bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Cộng đồng cần rộng mở đón chào đồng bào các dân tộc thiểu số cùng hoạt động, củng cố khối đại đoàn kết. Đồng bào các dân tộc thiểu số nỗ lực tự chủ bảo tồn văn hóa nhưng cũng phải biết tận dụng sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và các dự án cộng đồng... Các kế hoạch hành động phải hướng vào mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là không ngừng nâng cao đời sống nhân dân vùng dân tộc và miền núi trong chương trình tổng thể thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Quảng Tân