Vì chất lượng dạy và học
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 21/05/2020
So với năm học trước, công tác tuyển sinh không có nhiều xáo trộn khi Hà Nội vẫn áp dụng phương thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến để tạo thuận lợi cho học sinh cũng như phụ huynh. Trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của học sinh, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện thực hiện theo những tiêu chí rõ ràng về chỉ tiêu, thời gian, phương thức, trách nhiệm và tuyến tuyển sinh.
Tuy nhiên, cũng như mọi năm, nỗi lo lớn nhất của ngành Giáo dục thành phố là phải bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Cao hơn yêu cầu này, các địa phương còn hướng đến mục tiêu duy trì sĩ số lớp học đáp ứng quy định tại Điều lệ trường học (cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, cấp trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp) nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là thách thức không nhỏ với nhiều địa phương khi cơ sở trường lớp còn khó khăn do diện tích đất chật hẹp.
Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là ưu tiên hàng đầu, công tác xây dựng trường, lớp mới luôn được thành phố chú trọng thực hiện. Năm học 2019-2020, toàn thành phố đã có 67 trường học các cấp được xây dựng mới và 407 trường học được cải tạo với số tiền hàng nghìn tỷ đồng... Ngay thời điểm này, nhiều quận, huyện vẫn tiếp tục đầu tư, ví như, quận Hà Đông đang khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng 5 trường học mới; quận Tây Hồ có thêm 5 trường xây mới và 1 trường thành lập mới... Tuy vậy việc đáp ứng yêu cầu về sĩ số lớp theo Điều lệ trường học vẫn chưa như mong muốn; đặc biệt ở những địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh.
Vượt qua những khó khăn trên, ngành Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học. Cụ thể trong năm học tới, nhằm lựa chọn được phương án tuyển sinh tốt nhất trong khi quy mô trường, lớp chưa thể đáp ứng được ngay, các cấp tuyển sinh cần thực hiện tốt việc điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh; rà soát điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, từ đó xác định mức độ đáp ứng về số lượng học sinh để xây dựng kế hoạch phân tuyến phù hợp. Để việc này được thực thi nghiêm túc thì phương án phân tuyến cũng như danh sách học sinh được tuyển sinh phải được các trường công khai, minh bạch để ngoài sự giám sát của cơ quan chức năng, còn thêm sự giám sát của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, để tránh trường hợp phụ huynh đăng ký con học dồn vào “trường điểm”, dẫn đến có trường quá đông học sinh, trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, ngành Giáo dục cần nâng cao chất lượng dạy và học đồng đều bằng cách tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, luân chuyển giáo viên.
Về lâu dài, việc cải tạo, xây dựng thêm trường, lớp vẫn là lựa chọn ưu tiên mang tính bền vững. Muốn vậy, quỹ đất xây trường học phải được dành tương xứng với quỹ nhà trong các khu đô thị; cần ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư khi xây khu đô thị phải đầu tư xây dựng trường học.
Với những giải pháp thực hiện song song cho cả trước mắt và lâu dài, công tác tuyển sinh sẽ được thực hiện ngày càng tốt hơn, từng bước giảm được học sinh trái tuyến cũng như sĩ số học sinh/lớp. Khi đó, mục tiêu nâng cao chất lượng dạy - học của ngành Giáo dục Thủ đô nhất định sẽ đạt thêm những thành tựu mới.