Dịch Covid-19: EU mâu thuẫn trong vấn đề mở lại biên giới

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 21/05/2020

(HNMO) - Nhằm giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do lệnh phong tỏa kéo dài suốt 2 tháng qua, các bộ trưởng du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về lộ trình dần mở lại biên giới và khôi phục ngành du lịch vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, các bên không đạt được đồng thuận trong vấn đề này.

Lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản giảm 99,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 21-5, theo AP,  bộ trưởng cả 27 nước EU đã không thể đồng ý về toàn bộ kế hoạch do EC đề xuất. Ông Gari Capelli, Bộ trưởng Bộ Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, cần thảo luận thêm về cách áp dụng “gói các biện pháp về du lịch” vì châu Âu không thể liều lĩnh chấp nhận rủi ro sau khi vừa trải qua phong tỏa.

Theo ông Gari Capelli, các nước cần mở lại biên giới một cách có trách nhiệm bằng cách ký các thỏa thuận song phương, nhất là giữa các nước có cùng cấp độ dịch bệnh, để đảm bảo dịch không bùng phát trở lại. Đối với những nước có diễn biến dịch nguy hiểm thì cần làm thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.  

Cũng tại cuộc họp, Pháp yêu cầu phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia. Mục tiêu của Paris là mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15-6, nhưng phải đảm bảo tránh để xảy ra mở cửa ở nhiều tốc độ khác nhau. Trong khi đó, Đức muốn tập hợp 11 quốc gia phía Nam EU để bàn cách phối hợp mở lại biên giới.

Hiện tại, các nước trong khu vực Schengen đang áp dụng các biện pháp mở cửa biên giới không đồng bộ với nhau. Italia tuyên bố mở lại biên giới và sân bay từ ngày 3-6. Hy Lạp dự kiến nối lại các chuyến bay đến từ ngày 1-7; cho phép khách sạn, nhà hàng hoạt động trở lại từ ngày 15-6; giảm thuế một số dịch vụ và mặt hàng như phà, chuyến bay, xe buýt, đồ uống không cồn…

Tại châu Á, các quan chức Nhật Bản cho biết, dịch Covid-19 có thể làm mất tới 3,01 triệu việc làm tại nước này trong năm tài khóa 2020 (đến hết tháng 3-2021) và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009. 

Cùng ngày, Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản cho biết, trong tháng 4 vừa qua, nước này chỉ đón được khoảng 2.900 lượt du khách nước ngoài, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là lần đầu tiên lượng du khách trong tháng giảm xuống dưới mức 10.000 người kể từ năm 1964 khi Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản bắt đầu thống kê. 

Trong khi đó, Iran thông báo tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nêu rõ các nỗ lực của Tehran nhằm phòng chống đại dịch trong 3 tháng qua đã đạt tiến bộ và nước này đang tiến sát ngưỡng khống chế được dịch bệnh. Thứ trưởng Y tế Alireza Raisi cho biết, ít nhất 24 trong số 434 xã, huyện của Iran nằm ở thang cảnh báo đỏ - mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện 218 địa phương khác có nguy cơ thấp và con số này có thể giảm xuống còn 183 do dịch bệnh đã lên tới đỉnh điểm tại một số vùng. 

Cùng ngày, Ấn Độ thông báo, hoạt động hàng không nội địa sẽ được nối lại kể từ ngày 25-5 sau hai tháng tạm ngừng do đại dịch Covid-19.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông có thể khôi phục kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) theo hình thức trực tiếp tại khu nghỉ dưỡng Trại David.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh: “Hiện nay, đất nước chúng ta đang từng bước vĩ đại trở lại, tôi đang xem xét đặt lại lịch trình tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7. Các nước thành viên khác cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Bình thường hóa - đó sẽ là một tín hiệu tuyệt vời với tất cả”.

Tính đến 6h ngày 21-5, trên thế giới có 5.079.532 người mắc Covid-19; trong đó 329.160 người đã tử vong.

Quỳnh Dương