Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Chính trị - Ngày đăng : 15:17, 21/05/2020

(HNMO) - Chiều 21-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2006, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật số 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kể từ khi có luật, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có hơn 130.000 người.

"Kết quả này góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật số 72/2006/QH11 để tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với pháp luật có liên quan của các quốc gia tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư. Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo luật bổ sung sẽ gồm 8 chương và 79 điều, giảm 1 điều so với luật hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên, nội dung và chất lượng của hồ sơ cần được quan tâm tiếp thu, giải trình thấu đáo. Trong đó, cần định hướng rõ việc phát triển hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm.

Đồng thời, Luật phải hướng đến nhiệm vụ đổi mới việc dạy nghề, đào tạo nghề có định hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn; nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước trên thế giới.

Mai Hữu