Chủ động đón cơ hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 22/05/2020

(HNM) - Khống chế thành công dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một điểm đến an toàn, hấp dẫn, tin cậy đối với các du khách quốc tế. Đây là cơ sở để ngành Du lịch sớm hồi phục và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng du lịch Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 như kế hoạch đề ra trước khi có dịch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang đe dọa toàn cầu thì đây là mục tiêu không dễ thực hiện, song ngành Du lịch đã có những bước đi phù hợp và chủ động.

Đó là việc các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng của du khách lên hàng đầu; đồng thời triển khai kích cầu, quảng bá, để sẵn sàng tăng tốc khi dịch bệnh qua đi. Gần đây nhất, ngày 21-5, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” để thu nhận sự hiến kế của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư… trong nước và quốc tế.

Và thêm một kênh quảng bá hữu ích khác cho du lịch Việt Nam, mang tính “người thật, việc thật”. Đó là trải nghiệm của những du khách nước ngoài từng ở Việt Nam trong những ngày dịch Covid-19 ở đỉnh điểm. Họ là nhân chứng sống, là những người truyền tin miễn phí, giúp lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp cùng những người dân hồn hậu, mến khách.

Nhờ những hiệu ứng tích cực ấy nên chỉ trong 6 tuần gần đây, lượng du khách tìm kiếm trên mạng internet những thông tin liên quan tới du lịch biển nước ta tăng gấp đôi; nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ, Anh bình chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu sau dịch Covid-19...

Đây là cơ sở để khẳng định du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội hồi phục, đặc biệt với thị trường khách quốc tế.

Để không lỡ thời cơ, ngay từ lúc này, mỗi đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải chủ động giữ gìn, nâng cao uy tín, vị thế của du lịch Việt Nam. Theo đó, phải luôn bảo đảm an toàn sức khỏe cho du khách; phòng, chống dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, tạo lập những thói quen văn minh mới, như: Giữ vệ sinh chung, không xả rác nơi công cộng, giữ môi trường sạch, đẹp...

Tiếp nối những thành quả trong phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn hiện nay chính là thời điểm quan trọng để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa về một “Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Do đó, bên cạnh việc kích cầu, ngành Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng quảng bá trên môi trường mạng. Qua đó, giúp khả năng “phủ sóng” của du lịch Việt Nam tại các thị trường mới được nhanh chóng, hiệu quả.

Ngoài ra, việc chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hãng hàng không… của ngành Du lịch cũng là việc làm rất cần thiết. Để ngay khi điều kiện cho phép, có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến nước ta như tăng tần suất, mở thêm đường bay, miễn thị thực... Song song đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ bằng sự bài bản, chuyên nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn, mang tính cạnh tranh.

Với những thành quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã củng cố vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới. Đó là sự tiếp sức mạnh mẽ để ngành Du lịch chủ động đón thời cơ mới.

Thiện Mỹ