Xử lý vướng mắc một số dự án thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 17:16, 22/05/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 75/NQ-CP về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Ảnh minh họa.

Theo đó, về lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đối với dự án nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

Về quyết định chủ trương đầu tư, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Khoản 4, Điều 31 Luật Đầu tư và nguyên tắc giải quyết những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên quy định tại Điểm đ Khoản 2, Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ dự án và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án quy định nêu trên.

Về phê duyệt dự án và quyết định đầu tư, đối với dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá mức vốn của dự án nhóm B quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại luật này.

Đối với dự án có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc vượt mức vốn dự án nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt với chức năng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, làm cơ sở để hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án theo điều kiện và thủ tục quy định tại luật này và Điểm g, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng quy định xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương để hình thành tài sản công và giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng chưa tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 10, Điều 4, Khoản 2 Điều 35, Khoản 3, Điều 60, Khoản 4, Điều 61 Luật Đầu tư công và Điều 97 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Chí Kiên (Chinhphu.vn)