Nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới: Đến hẹn lại lo!
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:36, 23/05/2020
Thói quen gây hại
Thống kê của ngành Y tế cho thấy trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.918 người phải đi viện và 8 trường hợp tử vong.
Những tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Gần đây nhất, ngày 8-5 xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến hàng trăm người phải nhập viện điều trị. Đó là trường hợp 133 người ở Đà Nẵng nói trên, và vụ 25 công nhân cùng làm trong một phân xưởng thuộc Công ty Xuất nhập khẩu gỗ Việt Ý (tỉnh Tuyên Quang) bị ngộ độc thực phẩm.
Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng lên khi mùa hè tới, ông Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, nhiệt độ từ 37 - 40oC là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường. Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Tại những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không tuân thủ quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao.
Cũng theo ông Lâm Quốc Hùng, trong môi trường nắng nóng, nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả...
Để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại các gia đình, theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, cần hạn chế việc lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm. Người dân cũng cần thay đổi thói quen trữ đủ loại thức ăn, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh.
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng: Những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, trong ngày hè, mọi người cần chú ý bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, quá trình lựa chọn thực phẩm cũng cần cẩn trọng, bởi hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch.
Bảo quản thức ăn khoa học
Để tránh ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định; cần đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, tránh những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi, thối, mốc.
Khi chế biến thực phẩm, cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ chế biến; sử dụng nguồn nước sạch; thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Để có thực phẩm an toàn, cách tốt nhất là chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Thức ăn chưa sử dụng cần được che đậy, bảo quản cẩn thận; nếu để sau 2 giờ thì phải hâm nóng trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhiều người có thói quen không tốt khi lấy thức ăn ở trong tủ lạnh ra là ăn ngay. Thức ăn cần được đun kỹ lại ở nhiệt độ ít nhất 70oC trước khi ăn. Người dân nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một cách khoa học, tránh trữ quá nhiều thực phẩm vì không khí không được lưu thông sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng, biến chất. Người tiêu dùng cần phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh, để riêng thực phẩm chín và sống; rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, cộng thêm thời tiết nóng nực thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. “Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.