Sẽ sớm có quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm y tế chống dịch Covid-19 để tăng tốc xuất khẩu
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:02, 23/05/2020
Thời điểm hiện tại, số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 324 trường hợp, trong đó có 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly.
Về tình hình điều trị, tổng số trường hợp được chữa khỏi Covid-19 ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 267/324 (chiếm 82% tổng số bệnh nhân). Có 57 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước; trong đó, có 6 trường hợp âm tính 1 lần và 3 trường hợp âm tính 2 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2.
Riêng về bệnh nhân 91 (nam, phi công người Anh), theo đánh giá của Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), tình trạng bệnh nhân còn rất nặng, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được. So với 1 tuần trước, nam phi công không có tiến triển gì tích cực.
Ngày 23-5, tại hội thảo "Tăng cường chất lượng, năng lực sản xuất và giải đáp, hỗ trợ xuất khẩu vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19" do Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, dẫn đến nhu cầu về nhóm trang thiết bị phòng, chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là nhóm vật tư y tế phòng hộ cá nhân, như: Khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ...
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến hết năm 2020, thế giới cần 2,2 tỷ khẩu trang phẫu thuật, 1,1 tỷ găng tay y tế, 13 triệu kính bảo hộ và 8,8 triệu tấm che mặt phục vụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, như: Khẩu trang, găng tay y tế, kính bảo hộ y tế, quần áo phòng dịch. Trước nhu cầu gia tăng mặt hàng này trên thế giới, các cơ sở sản xuất trong nước cần tăng công suất lên 40%. Tuy nhiên, khi xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ chống dịch, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn tại các quốc gia nhập khẩu (Mỹ, châu Âu) còn khác biệt khá lớn. Rất ít doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Hiện tại, với khẩu trang y tế, Bộ Y tế mới có hướng dẫn tạm thời về tiêu chuẩn chất lượng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế chống dịch nhằm tăng tốc xuất khẩu sản phẩm này.