Thúc đẩy tiến độ thu phí không dừng: Bảo đảm hài hòa các lợi ích

Giao thông - Ngày đăng : 06:36, 23/05/2020

(HNM) - Những vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế đầu tư, công nghệ thu phí và thanh toán, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khiến các dự án thu phí tự động không dừng bị chậm tiến độ. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020 như phương án xin gia hạn mà Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan đang còn rất nhiều việc phải làm và sẽ chỉ thành công khi hài hòa được lợi ích của các bên.

Áp dụng thu phí không dừng sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Trong ảnh: Trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Khuê Diệp

Tiến độ chậm, lượng người sử dụng ít

Chính phủ từng chốt ngày 31- 12-2019 phải hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ và Bộ Giao thông - Vận tải phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn đến ngày 31-12-2020.

Đề cập nguyên nhân chậm tiến độ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho rằng, trước hết là do hình thức thu phí tự động không dừng còn rất mới cả về công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Thứ hai, đại bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến lượng người sử dụng dịch vụ hạn chế. Ngoài ra, các vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế đầu tư và doanh thu các dự án BOT (tư nhân đầu tư xây dựng, vận hành khai thác một thời gian rồi chuyển giao cho Nhà nước) bị sụt giảm thời gian qua đã khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng) thông tin, qua gần 5 năm triển khai, tính đến nay, VETC mới dán thẻ E-tag (thẻ thu phí tự động không dừng) cho hơn 830.000 xe trên tổng số khoảng 3,5 triệu xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngay trong những xe đã dán thẻ cũng có nhiều xe không sử dụng dịch vụ. Tiến độ dán thẻ như vậy là rất chậm, chưa đạt được mục tiêu.

Đề cập tới việc chưa dán thẻ E-tag cho xe ô tô cá nhân của mình, anh Nguyễn Quang Hưng (số 191 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, quy định hiện hành chưa bắt buộc chủ xe phải dán thẻ. Ngoài ra, nếu chủ phương tiện đã dán thẻ, nộp tiền, mặc dù cả tháng không đi qua trạm thu phí nhưng hệ thống vẫn tự động trừ 10.000 đồng/tháng. Số tiền này không đáng kể nhưng theo anh Nguyễn Quang Hưng, đấy là sự vô lý.

Còn chị Nguyễn Phương Thảo (số 262 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết, đã dán thẻ E-tag cho ô tô của mình từ hai năm nay nhưng nhiều lần đi vào làn thu phí tự động không dừng, chị luôn nhận được câu trả lời: Thẻ chưa kích hoạt, cần liên hệ với ngân hàng. “Khách chỉ biết mua thẻ, việc kết nối thanh toán là của chủ đầu tư và các bên liên quan, tại sao lại đùn đẩy trách nhiệm cho khách hàng? Trong khi đó, nhiều trạm dù có làn không dừng nhưng xe dán thẻ đi vào lại vướng xe không dán thẻ đang chờ trả tiền nên xảy ra ách tắc…”, chị Nguyễn Phương Thảo cho hay.

Chỉ rõ lợi ích từng chủ thể

Hiện giai đoạn I của dự án thu phí tự động không dừng đã hoàn thành 40 trạm trên toàn quốc. Trong ảnh: Trạm thu phí số 1 trên tuyến quốc lộ 5. Ảnh: Tuấn Khải

Hiện giai đoạn I của dự án thu phí tự động không dừng đã hoàn thành 40 trạm trên toàn quốc. Theo kế hoạch của VETC và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ đưa vào vận hành thu phí tự động không dừng từ cuối tháng 5-2020 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 6-2020. Các trạm thuộc giai đoạn II của dự án (33 trạm) cũng đang được các đơn vị liên quan tập trung triển khai.

Khẳng định ủng hộ chủ trương thu phí không dừng, song Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, hình thức này tiện lợi nhưng triển khai chậm. Các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào công nghệ nhiều hơn mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường. Đứng ở góc độ thị trường, người bán dịch vụ nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không phải áp đặt một hình thức. Trong đó, phải tính cả lợi ích bên bán và bên sử dụng dịch vụ.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất nên nghiên cứu 2 phương thức: Trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua được đánh dấu và doanh nghiệp vận tải sẽ thanh toán. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải cũng có giấy tờ để hạch toán chi phí đầu vào.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có giải pháp để một tài khoản có thể sử dụng trên tất cả hệ thống cao tốc, quốc lộ và không phải mất các chi phí liên quan khác khi sử dụng. Phải để bản thân các chủ xe thấy được lợi ích khác biệt giữa thu phí không dừng và một dừng để lựa chọn. Việc xử lý tiền trả trước của các chủ phương tiện đã mua thẻ cũng cần được làm rõ. Nếu những vấn đề trên chưa được giải quyết thì người dân vẫn chọn sử dụng tiền mặt.

Theo Phó Tổng Giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh, thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân chưa thể thay đổi được ngay mà phải có lộ trình. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần có quy định không cho xe không dán thẻ đi vào làn không dừng để khách hàng thấy được quyền lợi khi sử dụng thẻ là hầu như không bị ách tắc tại các trạm thu phí. VETC cũng đang nghiên cứu giải pháp liên kết với ngân hàng để phục vụ cho việc thanh toán của khách hàng được thuận lợi, an toàn.

Tuấn Lương