Hiệp định EVFTA: Đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức
Kinh tế - Ngày đăng : 20:56, 24/05/2020
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những thời cơ, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch để đón đầu cơ hội quan trọng này.
- EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội mà Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nước ta nói riêng sẽ được hưởng sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn?
- EVFTA có cam kết sâu và đưa ra lộ trình thực hiện nhanh, nên sau khi được Quốc hội phê chuẩn, hai bên thống nhất thì sẽ có hiệu lực ngay.
Khi EVFTA có hiệu lực, 99% hàng hóa Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là cơ hội rất tốt để hàng hóa Việt Nam được tiếp cận với một thị trường cao cấp. Cơ hội này rất đặc biệt bởi hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số thị trường truyền thống của Việt Nam đang gặp khó khăn và chưa phục hồi.
Lợi thế thứ hai là trong cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của hai bên có nhiều loại thuộc thế mạnh của Việt Nam và không cạnh tranh với hàng hóa châu Âu như: Nông sản, thủy hải sản, chế biến đồ gỗ, hàng lắp ráp điện tử…
Riêng hàng may mặc, giày da thì cả Việt Nam và EU đều có thế mạnh, nhưng EU mạnh về thiết kế và làm thương hiệu, trong khi Việt Nam lại mạnh về gia công sản xuất. Nếu kết hợp hiệu quả sẽ tạo thành chuỗi sản xuất tốt, không cạnh tranh lẫn nhau.
Lợi thế thứ ba, EU là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, từ đó yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải nâng cao trình độ thì mới có thể nắm bắt được cơ hội.
Thêm vào đó, từ khi có dịch Covid-19, đang có sự dịch chuyển dòng đầu tư. Khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp cận được những nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu và đây là cơ hội để ta mời gọi được những nhà đầu tư tốt.
Một cơ hội nữa là châu Âu đặt ra những tiêu chuẩn kiểm soát về kỹ thuật, quản trị, sự minh bạch rất cao. Khi tham gia EVFTA, chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực quản trị, nhất là phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngang tầm các nước châu Âu. Vì vậy, tham gia Hiệp định cũng chính là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, EVFTA cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của nước ta. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
- Đúng vậy, với sức ép lớn, sau khi Hiệp định có hiệu lực sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách thức về tiêu chuẩn, công nghệ, kỹ thuật sản xuất. Bởi hàng hóa vào EU phải đạt tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải tiêu chuẩn Việt Nam.
Nếu doanh nghiệp trong nước không nâng tiêu chuẩn lên thì hàng hóa sản xuất tại EU sẽ tràn vào Việt Nam. Khi đó, chúng ta vừa không xuất khẩu được mà còn có nguy cơ mất luôn thị trường nội địa.
Ngoài ra, EU còn yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn quản trị môi trường, trách nhiệm xã hội, đòi hỏi doanh nghiệp nước ta phải tuân thủ nghiêm những thứ mà xưa nay chúng ta chưa thực sự coi trọng.
Thách thức còn đến với khu vực nhà nước về việc cải cách luật pháp và thể chế. Bởi nếu chúng ta không hoàn thiện được hệ thống pháp luật, không tạo ra những hành lang pháp lý vững chắc thì hàng hóa của ta không vào được thị trường họ mà những lĩnh vực lẽ ra doanh nghiệp nhỏ và vừa của ta thực sự làm được cũng sẽ mất luôn thị phần.
- Vậy, theo ông, những chủ trương cải cách mà Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện có đáp ứng được yêu cầu đặt ra khi EVFTA có hiệu lực?
- Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra 3 đột phá chiến lược về: Thể chế, nhân lực, hạ tầng và tới đây chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện.
Thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã được cải cách rất nhiều. Nhưng cam kết với châu Âu không đơn thuần về môi trường kinh doanh mà còn đòi hỏi sự công khai minh bạch về thể chế, chính sách.
Kinh nghiệm cho thấy, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng chúng ta chưa hoàn thiện luật pháp để thực thi hiệu quả hiệp định này. Nếu không có sự phân công rõ trách nhiệm của Chính phủ với các bộ, ngành, chắc chắn sẽ khó bắt kịp thời cơ với EVFTA.
- Vậy, Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cần có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng nhiều nhất những cơ hội mà EVFTA đem lại, thưa ông?
- Đầu tiên chúng ta phải đánh giá chiến lược tiếp cận thị trường EU như thế nào và “chia sân” ra xem Việt Nam sẽ tham gia vào hoạt động gì, tránh tình trạng bỏ lỡ những sản phẩm mà ta có thế mạnh; đồng thời phải định hướng kéo những sản phẩm mạnh của EU để ta dần thay đổi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chúng ta cũng phải tìm ra những sản phẩm thế mạnh của nước ta cũng như EU, và có định hướng cụ thể xem ngành hàng mà ta sẽ nắm lĩnh vực chủ chốt, lĩnh vực nào chúng ta cần mời gọi, lĩnh vực nào chúng ta sẽ có thế mạnh tại thị trường châu Âu.
Quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp phải tổ chức, xây dựng một chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác bền chặt, cùng phát triển, mỗi doanh nghiệp sẽ nắm giữ một mảng trong chuỗi cung ứng này, như: Nguyên liệu, gia công sản xuất, làm thương hiệu, thị trường... Chính phủ sẽ đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt quản lý chuỗi cung ứng này nhằm tạo ra một “sân chơi” công bằng và cạnh tranh bình đẳng, tạo kết nối trong nước chứ không cạnh tranh lẫn nhau.
Cuối cùng, phải đẩy mạnh thông tin, truyền thông để tạo sự đồng hành trong xã hội, giúp mỗi người dân hiểu được cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước chuyển dịch dần thị trường sang EU nhằm không bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào.
- Trân trọng cảm ơn ông!