Để không còn những lời xin lỗi muộn màng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 25/05/2020
1. Cách đây vài ngày, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân trước khi bị kết án 4 năm tù giam vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đã xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân vì việc làm sai trái. Trong những lời trước tòa, dư luận chú ý đến tự sự của bị cáo về việc “chưa được đào tạo quản lý kinh tế ngày nào mà chỉ được đào tạo về quân sự” nhằm biện minh cho sai phạm làm thất thoát gần 1.000 tỷ đồng của Nhà nước.
Xét đến cùng, những ý tứ trên chẳng khác mấy so với các bị cáo từng là cán bộ cao cấp trong ngành Công an, như: Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân (vụ án Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công tại thành phố Đà Nẵng); Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (vụ đánh bạc qua mạng internet)... “Kịch bản sám hối” trước giờ tòa nghị án cũng đã từng được Đinh La Thăng và các đồng phạm là thuộc cấp tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, vốn gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng sử dụng. Sau đó là Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà... đưa ra trong vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) với giá “trên trời”.
Với hành vi xin lỗi trên, dư luận cho rằng, những bị cáo từng là cán bộ cao cấp nhưng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không tuân thủ pháp luật, phá hoại đất nước, đặc biệt là làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ thì những lời nói đó của họ trước tòa phải chăng chỉ là hành vi lấy lòng dư luận nhằm mong được giảm án.
Thực tế, những lời xin lỗi muộn màng đều xuất phát từ tội danh “thiếu trách nhiệm”, “buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng”; để tiền, tài nguyên và tài sản giá trị khác của Nhà nước, của nhân dân bị thất thoát, rơi vào túi của những kẻ cơ hội. Điều này cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ về phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được xem trọng và thực hiện có hiệu quả, chưa tạo ra “hàng rào” để ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân.
2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm tra là một trong những phương thức tối quan trọng, là nguồn gốc của thắng lợi, là vũ khí chống lại tệ quan liêu, chống lại nguy cơ mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền… Người khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trǎm”.
Lấy những lời xin lỗi muộn màng của các bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp soi chiếu với tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dạy của Người về tư tưởng, mục đích, ý nghĩa, vai trò, phương pháp, cách thức tiến hành công tác kiểm tra mới thấy rõ những hạn chế trong công tác này thời gian qua. Thực tế, bên cạnh những tổ chức Đảng cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì cũng có những tập thể tiến hành việc này một cách qua loa, đại khái, không đúng nguyên tắc và đối tượng. Hậu quả là khuyết điểm, sai sót không bị phát hiện hoặc bỏ qua, tạo điều kiện để cái xấu mặc nhiên tồn tại, tích tụ và dần trở thành ung nhọt khó chữa. Đó là chưa kể đến những “cái bắt tay dưới gầm bàn”, “lợi ích nhóm” nhằm thỏa hiệp với cái sai, hành vi vi phạm pháp luật.
Để không còn những lời xin lỗi muộn màng thì vấn đề tiên quyết là phải thực thi công tác kiểm tra, giám sát sao cho triệt để. Qua đó chấn chỉnh, chỉ rõ khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ; rèn luyện cán bộ trưởng thành và ngăn ngừa sai phạm.
Sự nghiệp cách mạng thời nào cũng cần đến cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, trong sáng về đạo đức, đủ tâm, đủ tầm, đủ trí và đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Thế nhưng, trong thực tiễn đang tồn tại những cán bộ “biết lựa” nhiều hơn “biết làm”. “Ưu điểm” ở họ là khả năng thích ứng rất nhanh với mọi mối quan hệ theo kiểu “nói nhiều làm ít”. Tuy nhiên, phần đông trong số đó có biểu hiện ít sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm, luôn có xu hướng tìm kẽ hở để trục lợi. Những nguyên cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm pháp luật là bị cáo trong các phiên tòa hình sự thời gian qua phần nào minh chứng cho nhận định này.
Tin tưởng, trao quyền và có chính sách đãi ngộ cán bộ hợp lý, song cũng phải kiểm soát quyền ấy chặt chẽ thông qua kiểm tra, giám sát, ngăn chặn những hành vi lộng quyền, lạm quyền. Điều này đặt ra trọng trách lớn với Đảng trong đổi mới xây dựng đội ngũ cán bộ thanh liêm, chính trực, dũng cảm, đủ đức, tài, có tâm và tầm cũng như thiết kế bộ công cụ là các chỉ thị, quy định để kiểm tra, giám sát cán bộ thực sự hiệu quả, ngăn chặn sai phạm của cán bộ từ trứng nước.
Để không còn những lời xin lỗi muộn màng thì rất cần tiến hành công tác kiểm tra, giám sát chuyên nghiệp, nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, chính xác, hiệu quả ngay từ mỗi chi bộ.