Nguy cơ cháy, nổ do rò rỉ khí gas
Đời sống - Ngày đăng : 06:01, 25/05/2020
Sơ ý nhỏ, thảm họa lớn
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy do rò rỉ khí gas thì có đến 3 vụ xảy ra trong tháng 5. Gần đây nhất, ngày 16-5, một nhà hàng tại số nhà 211 phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) đã xảy ra cháy do rò rỉ khí gas trong bếp. Trước đó, ngày 11-5, một vụ nổ do rò rỉ khí gas xảy ra ở ngôi nhà số 32 phố Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) đã khiến 3 người bị thương.
Đáng chú ý là ngày 8-5 vừa qua, tại phường Mỹ Đình l (quận Nam Từ Liêm) đã xảy ra vụ cháy, nổ lớn do rò khí gas khi sang chiết trái phép. Không chỉ gây thiệt hại trong xưởng, đám cháy còn lan rộng ra các nhà lân cận, làm cho mạng lưới điện và viễn thông bị hư hỏng nghiêm trọng.
Theo Trung tá Hoàng Vũ Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hai Bà Trưng), nhiều vụ cháy do rò rỉ khí gas xuất phát từ nguyên nhân sơ ý, bất cẩn trong quá trình sử dụng của người dân. Thường là do người dân không đóng khóa van bình gas sau khi sử dụng hoặc dây dẫn gas bị hư hỏng. Khí gas bị rò rỉ trong nhà dân được xây dựng kín thường không có lối thoát, khi có tác động bằng ma sát mạnh phát ra lửa, hoặc bật công tắc điện sẽ khiến phát nổ gây cháy.
“Sức công phá của các vụ cháy, nổ do khí gas rất lớn, có thể phá sập ngôi nhà được xây dựng kiên cố. Rõ ràng, chỉ cần một sơ ý nhỏ, nhưng thảm họa lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người dân không cẩn trọng”, Trung tá Hoàng Vũ Nam lưu ý.
Đáng chú ý, nguy cơ gây ra cháy, nổ còn đến từ hoạt động tổ chức sang chiết gas trái phép trong khu dân cư, các cơ sở kinh doanh ăn uống sử dụng bình gas công nghiệp không thực hiện đúng quy định về khoảng cách, vị trí an toàn theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Chị Phạm Thị Luyến (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cho biết: "Gia đình tôi rất lo lắng khi sinh sống cạnh hai quán ăn đều sử dụng bình gas công nghiệp loại lớn. Đối với những cơ sở như thế này, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, giúp người dân yên tâm".
Chủ động phòng ngừa từ ý thức
Để người dân nâng cao ý thức tự phòng ngừa và có thể chủ động xử lý tốt các sự cố về gas, Thiếu tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) thông tin, việc xử lý tình huống đám cháy có nguyên nhân từ rỏ rỉ khí gas là một nội dung quan trọng trong các buổi tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư. Ngoài việc giúp người dân chủ động xử lý tình huống thì đây cũng là giải pháp nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng gas.
Sau khi tham gia lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Đồng Mai, quận Hà Đông) chia sẻ, vài năm trước gia đình để xảy ra rò rỉ khí gas, mặc dù chưa gây thiệt hại nhưng gia đình anh rất lúng túng trong xử lý tình huống. “Nhờ có các buổi tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, tôi đã nắm được kiến thức và có thể xử lý những sự cố về gas trong quá trình sử dụng”, anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Bên cạnh tập huấn, cơ quan chức năng cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức khi sử dụng hệ thống gas trong gia đình. Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) Nguyễn Quốc Đạt, phường đã chủ động phối hợp với công an quận in tờ rơi hướng dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy phát đến từng hộ gia đình, trong đó nêu các biện pháp bảo đảm an toàn khi sử dụng gas, điện để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đối với công tác phòng cháy, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định, chủ động phòng ngừa phải từ ý thức của mỗi chủ cơ sở và từng gia đình. Do đó, đơn vị đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất để đánh giá việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, đặc biệt là các điều kiện bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng khí gas. Cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý đối với các cơ sở, hộ gia đình không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng khí gas, nhất là những cơ sở tổ chức sang chiết gas trái phép trong khu dân cư.