Thông cáo báo chí số 6 kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV
Chính trị - Ngày đăng : 19:15, 25/05/2020
Buổi sáng, Quốc hội xem xét, thảo luận về hai nội dung sau:
Nội dung 1, do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành. Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với các nội dung trong Báo cáo của UBTVQH. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề như: Về nguyên tắc hòa giải, đối thoại; về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên; về phạm vi hoạt động của hòa giải viên; về thời hạn, địa điểm tổ chức hòa giải, đối thoại; trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên; thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; về bảo mật thông tin; kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại…
Sau thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các đại biểu đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo, cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH, đồng thời, tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề cụ thể sau:
- Về chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, cơ bản nhất trí chủ trương Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, trừ 3 trường hợp được nêu trong dự thảo. Cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về chi phí do Nhà nước bảo đảm và chi phí do đương sự phải chi trả.
- Về phạm vi hoạt động của hòa giải viên, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các tòa án khác ngoài tòa án họ đã được bổ nhiệm, nhưng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở. Một số ý kiến đề nghị hòa giải viên chỉ được hoạt động giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của tòa án, nơi họ đã được bổ nhiệm.
- Về trình tự nhận xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên, nhiều ý kiến nhất trí với quy định ngay khi nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tòa án thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn biết để họ thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại tòa án hoặc giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị sau khi nhận đơn khởi kiện, tòa án phải hỏi các bên trước khi chuyển đơn thụ lý theo thủ tục hòa giải để bảo đảm đúng nguyên tắc tự nguyện của hòa giải.
- Về thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án, nhiều ý kiến đại biểu tán thành và cho rằng, do tính chất quan trọng của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên cần quy định mở phiên họp theo trình tự, thủ tục, thành phần tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự; một số ý kiến đề nghị thủ tục tòa án quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là quy định bắt buộc sau khi các bên hòa giải thành, đối thoại thành, đồng thời, đề nghị rút ngắn thời gian ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành xuống là 5 ngày, 7 ngày hoặc 10 ngày.
- Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về một số vấn đề sau: Về việc bổ nhiệm, bầu hay công nhận hòa giải viên; nhiệm kỳ hòa giải viên thay 3 năm bằng 5 năm; về tiêu chuẩn, điều kiện hòa giải viên nên bổ sung thêm một số đối tượng, phân biệt thành 3 nhóm với những điều kiện tiêu chuẩn khác nhau cho từng nhóm; về vấn đề bảo mật thông tin; về bổ sung điều cấm đối với hòa giải viên; về vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân…
Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để UBTVQH báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.
Nội dung 2, do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau đó, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết này. Theo chương trình, nội dung này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Buổi chiều, Quốc hội xem xét, thảo luận về 2 nội dung:
- Nội dung 1, từ 14h đến 14h35, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: Về xây dựng Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 28 trước đây để phù hợp với thực tiễn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập; kiểm kê, đánh giá về diện tích đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả, để đất hoang hóa; về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025; về thu thuế đối với diện tích đất nông nghiệp không sử dụng để canh tác, hoang hóa…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên xây dựng Nghị quyết mới hoặc sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành.
Về thời gian, có một số ý kiến thống nhất với việc kéo dài 5 năm, sau đó sẽ tiến hành sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Đất đai và xây dựng Luật Thuế tài sản. Cũng có ý kiến đề nghị thời gian miễn thuế là 10 năm, kéo dài đến năm 2030; cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự đúng đối tượng, hạn chế bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; cần kiểm kê, đánh giá lại việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay để có cái nhìn toàn diện, kể cả mặt trái của chính sách, đồng thời thấy rõ được ba chức năng của thuế đó là công cụ quản lý, đòn bảy kinh tế và chức năng phân phối lại của thu ngân sách, góp phần xây dựng chính sách toàn diện hơn; đề nghị thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích không canh tác sau 12 tháng bỏ hoang hóa...
Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được UBTVQH nghiêm túc tiếp thu; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
- Nội dung 2, từ 14h35, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Trong quá trình thảo luận đã có 15 đại biểu đăng ký phát biểu, 5 đại biểu phát biểu tranh luận, hơn 10 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng không còn đủ thời gian. Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của UBTVQH. Ngoài ra, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể như sau:
- Về quan điểm, định hướng xây dựng Luật, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với việc chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.
- Về độ tuổi thanh niên, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quy định của dự thảo Luật, theo đó độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 30 tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 35 tuổi.
- Về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định về vấn đề này; cũng có ý kiến đề nghị cần quy định để nâng tầm của Ủy ban như tư vấn cho Chính phủ và cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về công tác tổ chức, cơ chế phối hợp trong hoạt động của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.
- Về Tháng Thanh niên, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên, được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định về vấn đề này vì công tác thanh niên là hoạt động thường xuyên.
- Về trách nhiệm của thanh niên, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với quy định về trách nhiệm của thanh niên tại dự thảo Luật. Một số ý kiến đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung quy định trách nhiệm của thanh niên trên mặt trận báo chí, truyền thông.
- Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, nhiều ý kiến đồng tình với việc dự thảo Luật không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lặp, chồng chéo với các luật chuyên ngành mà quy định về các chính sách chung của Nhà nước trong các lĩnh vực như: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng; bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên ở nông thôn, thanh niên vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng.
Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, trong phiên họp chiều nay, các vị đại biểu đã phát biểu với trách nhiệm cao, sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, với mong muốn dành những gì tốt nhất, với trách nhiệm cao nhất cho thanh niên; đồng chí Phan Thanh Bình, thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải trình, tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian vừa qua, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Tại phiên họp chiều nay, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề cụ thể trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội còn góp ý về kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật. UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Thứ ba, ngày 26-5-2020, Quốc hội họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội. Buổi sáng, Quốc hội nghe:
I. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi);
II. Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật này. Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.