Hà Nội: Thường xuyên kiểm tra, rà soát cây xanh trong trường học
Đời sống - Ngày đăng : 12:47, 26/05/2020
Huyện Mỹ Đức có 79 trường học với hơn 41.000 học sinh, trong đó hầu hết các trường đều có nhiều cây xanh lâu năm. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện cho biết, hằng năm, các nhà trường có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh, ngăn chặn tối đa nguy cơ gây mất an toàn với học sinh. Trước mùa mưa bão hoặc vào các giai đoạn thời tiết có diễn biến bất thường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đều nhắc nhở các nhà trường kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng cây xanh, đường điện..., kịp thời phát hiện các cây có dấu hiệu sâu, mục... để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An, quận Tây Hồ chia sẻ, hằng ngày, nhân viên bảo vệ của trường rà soát các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh như đường điện, nắp cống, cây xanh... Việc cắt tỉa cành cây được thực hiện thường xuyên. Nhà trường cũng quan tâm tới việc trồng, chăm sóc cây mới để thay thế những cây xanh lâu năm.
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hoàng Hữu Trung thông tin, trước mùa mưa bão năm nay, Sở đã có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã và các nhà trường tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, trong đó có việc phòng, tránh nguy cơ tai nạn do cây xanh gãy, đổ.
Theo đó, các nhà trường phải thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các cây xanh trong khuôn viên sân trường có nguy cơ gãy, đổ, sâu gốc...; có kế hoạch định kỳ, nhất là vào trước mùa mưa bão về việc cắt cây, tỉa cành, bảo vệ cây, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn đối với học sinh. Qua kiểm tra, công tác này được các nhà trường thực hiện nghiêm túc.
Về công tác quản lý hệ thống cây xanh trong các trường học tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, theo Quyết định 19/2010/QĐ-UBND ngày 14-5-2010 của UBND thành phố Hà Nội "Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố Hà Nội", Sở Xây dựng là cơ quan giúp UBND thành phố thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn; triển khai việc phân cấp quản lý trên địa bàn theo quy định.
Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội được giao duy trì, duy tu, cắt sửa, chặt hạ cây xanh đô thị tại các tuyến đường (có tên) khu vực 12 quận. UBND cấp quận quản lý hệ thống cây xanh tại trường học, trụ sở làm việc và hệ thống cây xanh tại các ngõ, đường mới mở (chưa được đặt tên).
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được...
"Điều đó lý giải vì sao có những cây nhìn bề ngoài xanh tốt mà vẫn bị đổ dù không có gió lớn", ông Trần Anh Tuấn cho biết.
Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong mùa mưa bão, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, ngay từ đầu năm, Sở đã có công văn gửi các quận, huyện, thị xã; các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, tăng cường kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm, đồng thời thực hiện chằng chống, trồng thay thế những cây bóng mát có nguy cơ mất an toàn mùa mưa bão.
"Các đơn vị chịu trách nhiệm nếu cây nguy hiểm không được xử lý kịp thời theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân và nhiệm vụ đã được giao" - ông Hoàng Cao Thắng nhấn mạnh.