Lối đi chung được xác định như thế nào?
Ý kiến - Phản hồi - Ngày đăng : 11:23, 14/02/2005
Hỏi: Bố tôi có mảnh đất 1.192m2, khi còn sống đã chia cho các con sử dụng. Trong biên bản chia đất (có chữ ký của bố và tất cả các con) có ghi rõ ràng lối đi chung chiều rộng 1,6m. Lối đi chung này đã được thể hiện trên bản đồ địa chính và được phường cho miễn thuế phần đường đi. Sau đó em gái tôi đã xây lấn ra đường đi chung làm cho lối đi chỉ còn 1,2m, vì cho là “đường lịch sử” trước chỉ có 1m. Vậy theo quy định pháp luật thì lối đi chung hiện nay được xác định là 1,6m hay 1m?
Âu Thị Sơn (số 25, ngõ 170, Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội)
Trả lời: Căn cứ khoản 1 điều 270 Bộ luật dân sự về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản quy định: “Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp”.
Như vậy lối đi chung có chiều rộng 1,6m đã được xác định bằng sự thoả thuận của chủ các bất động sản liền kề cùng sử dụng chung lối đi này và đã được thể hiện trong bản đồ địa chính. Giả sử lối đi này có tồn tại trước đây với chiều rộng chỉ là 1m nhưng chiều rộng của lối đi (1,6m) đã được bố bà (là chủ sở hữu) và các anh chị em bà (là những người được chia đất) đã cùng thống nhất m? rộng lối đi chung (thành 1,6m) và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận ghi nhận trong bản đồ địa chính đồng thời cho miễn thuế đối với lối đi này. Do vậy, việc người em gái của bà xây lấn ra lối đi chung này là vi phạm quy định của pháp luật. Khoản 2 điều 270 Bộ luật dân sự, quy định như sau: “Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác”.
Theo KTĐT