Coi trọng đào tạo công nghệ thông tin để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 14:51, 26/05/2020

(HNMO) - Chiều 26-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và việc cập nhật thông tin trên ứng dụng thông minh Hà Nội SmartCity.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố

Trước ngày 1-7-2020, hoàn thành việc tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Trong đó, thành phố duy trì, khai thác sử dụng thường xuyên hệ thống họp trực tuyến; nhất là trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đến cấp xã. Cơ sở hạ tầng CNTT phát triển đến cấp huyện và cấp xã, phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT đã được lắp đặt để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các khu dân cư...

Từ năm 2016 đến nay, thành phố tập trung triển khai 4/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, quản lý doanh nghiệp, quản lý bảo hiểm và tài chính. Thành phố tiếp tục triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; xây dựng; y tế; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp...

Đáng chú ý, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó có việc triển khai Cổng dịch vụ công thành phố cung cấp các dịch vụ trực tuyến công mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố triển khai đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn...

Đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1.659 thủ tục hành chính (trong đó thành phố hiện có 1.808 thủ tục hành chính), đạt 91%. Đáng chú ý, từ ngày 26-10-2018 đến ngày 24-5-2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố là 3.458.474 hồ sơ, trong đó có 691.694 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 20%.

Theo ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND thành phố, hiện Hà Nội có 261 dịch vụ công trực tuyến và tính đến ngày 24-5, có 88 dịch vụ công đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 34%. Để đạt mục tiêu đến hết ngày 30-6-2020 hoàn thành việc tích hợp 173 dịch vụ công còn lại lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc với đại diện VNPT Hà Nội và Tập đoàn VNPT (đơn vị tư vấn triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia) thống nhất phương án, kế hoạch triển khai, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Về triển khai ứng dụng Cổng thông tin thành phố (Hà Nội SmartCity), đến nay, Hà Nội đã cập nhật lưu trữ dữ liệu của 22.790 người thuộc diện quản lý, giám sát liên quan đến dịch Covid-19. Tính đến ngày 24-5-2020, đã có 15.810.379 lượt truy cập xem bản đồ dịch trên ứng dụng; 57.370 tài khoản được đăng ký sử dụng trên hệ thống (trong đó có 12.851 tài khoản thành viên các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thuộc 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn được khởi tạo và đang khai thác sử dụng trên hệ thống); 696.347 lượt tải ứng dụng trên 2 nền tảng di động iOS và Android; tiếp nhận, xử lý 2.632 phản ánh, kiến nghị của người dân về các lĩnh vực như: Y tế (dịch Covid-19), giao thông, an ninh, môi trường...

Coi trọng đào tạo công nghệ thông tin

Sau khi giải đáp 10 vấn đề mà các sở, ngành đặt ra, phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ghi nhận những kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, mặc dù có một số chỉ tiêu chưa hoàn thành, song việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn góp phần quan trọng vào việc giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội (đứng thứ 9 năm 2019, tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 10), nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của thành phố. Ứng dụng CNTT giúp liên thông thủ tục hành chính các cấp phường, xã, quận, huyện với thành phố và liên thông với Văn phòng Chính phủ, cho thấy việc xây dựng hệ thống một cửa phục vụ người dân, doanh nghiệp được thực hiện đúng hướng.

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động, điều hành, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nội vụ rà soát và thực hiện đào tạo về CNTT với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng ai chưa được đào tạo sẽ được tiếp tục bổ sung đào tạo và trình độ tương đương với có chứng chỉ ứng dụng tin học trình độ C. Đồng thời, những người đã được đào tạo được cập nhật kiến thức về CNTT hằng năm, từ đó góp phần chuẩn hóa cán bộ CNTT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Nhấn mạnh nguồn nhân lực CNTT là vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, bổ sung chương trình học về CNTT, chú trọng những ngành công nghệ nòng cốt như trí tuệ nhân tạo, 3D, tự động hóa... để trình Thành ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và có thể đưa thành môn học trong năm học mới.

Thanh Hà