Đưa hàng Việt vào thị trường Thủ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 11:14, 26/05/2020
Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội và cả nước bị ảnh hưởng nặng nề, cả về nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ. Dù tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn duy trì, song các chỉ tiêu kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2020 đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế, xã hội của Hà Nội với mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm đạt 6,42%, thì việc đẩy mạnh các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, du lịch để tăng sức mua, tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ… là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương trong cả nước. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối với hệ thống phân phối của Hà Nội và cả nước, góp phần tái khởi động nền kinh tế thành phố sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 28 đến 31-5 tới, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng Việt”, với sự tham gia của 50 gian hàng và trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Nhờ việc kết nối, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, năm 2019, nhiều địa phương đã đạt doanh thu hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội trên 1.000 tỷ đồng như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... Ngoài ra, có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương kết nối đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Hệ thống Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các chuỗi cửa hàng tiện lợi...
Ở chiều ngược lại, hàng hóa, nông sản từ các địa phương tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho thị trường Thủ đô, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, đây là hoạt động đồng hành thiết thực với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ có sức mua lớn với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập. Cùng với đó là hệ thống tiêu thụ hiện đại, với 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành), 455 chợ, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn... Hệ thống hạ tầng thương mại này vẫn đang được đầu tư, phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Về phần mình, các địa phương, doanh nghiệp đăng ký tham dự hội nghị năm nay đều nhận định, khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác thương mại với Hà Nội là rất lớn, đặc biệt trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố cũng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội đầu tư, đồng thời bổ sung cho Thủ đô những sản phẩm cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân.