Gia Lâm và những nền tảng vững chắc cho mục tiêu mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 26/05/2020
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Gia Lâm đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt và hiệu quả...
Nhờ vậy, kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Toàn huyện hiện có 1.110 doanh nghiệp công nghiệp và 2.226 hộ sản xuất công nghiệp. Các nghề truyền thống, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có thế mạnh như sản xuất gốm sứ, sản phẩm từ da, chế biến gỗ, dược liệu… ngày càng khẳng định được thương hiệu. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng bình quân 11,03%/năm (chỉ tiêu 11-12%); thu nhập bình quân đạt 62,5 triệu đồng/người/năm...
Cùng với đó, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung được Huyện ủy xác định là khâu đột phá để tiến tới hoàn thiện các tiêu chí phát triển trở thành quận. Các dự án được tập trung đẩy mạnh thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ. Hiện, Gia Lâm đã hoàn thành 306/424 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Nổi bật là đã cải tạo nâng cấp 190,5km giao thông trục chính, liên thôn, trục thôn; xây dựng đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, tiết kiệm điện; cải tạo, nâng cấp 128 trạm biến áp, 339km đường dẫn trung thế, hạ thế; kè cứng hóa 24 ao hồ...
Các cấp ủy cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị. Toàn huyện đã huy động, giải ngân 2.696,9 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông…
Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện Gia Lâm ngày càng khang trang, sạch đẹp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao...
Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Bi Trần Ngọc Thắng cho biết, năm 2015, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dù vậy, xã vẫn tiếp tục được đầu tư thêm các công trình giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo tiêu chuẩn quốc gia, kè các ao hồ tạo cảnh quan sạch, đẹp… góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. “Với nền tảng điều kiện hiện có, xã phấn đấu cuối năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hướng tới đạt các tiêu chí trở thành phường”, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Bi Trần Ngọc Thắng nói.
Một trong những mục tiêu quan trọng để Gia Lâm đạt tiêu chí trở thành quận, đó là giảm hộ nghèo xuống dưới 1%. Toàn huyện đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây mới và sửa chữa 190 nhà ở cho hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các chính sách ưu đãi tín dụng với hộ nghèo; triển khai các đề án đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động mỗi năm... Do vậy, đến năm 2020, Gia Lâm không còn hộ nghèo.
Chiều 25-5, Đảng bộ huyện Gia Lâm tổ chức phiên họp trù bị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, với 219 đại biểu chính thức. Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Phó Trưởng đoàn kiểm tra số 6 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt dự và chỉ đạo.
Tại phiên trù bị, 100% đại biểu dự đại hội đã thông qua các nội dung bầu: Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, Chương trình chính thức của đại hội, Quy chế làm việc của đại hội. Điểm mới tại Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm nhiệm kỳ 2020-2025 là thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy tại đại hội. Cũng trong phiên trù bị, các đại biểu nghiên cứu, thảo luận nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện và đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng cấp trên.
Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII chính thức khai mạc vào hôm nay (26-5).
Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp huyện đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ 2015-2020 là đã làm tốt công tác cán bộ. Toàn huyện có 306 lượt cán bộ được bổ nhiệm, luân chuyển, điều động; mở 426 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 70.387 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, 2 lớp bồi dưỡng cho 700 lượt cán bộ quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ, Đảng bộ cơ sở...
Chất lượng cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, cấp ủy viên cơ sở có trình độ đại học và trên đại học chiếm 95,66%; cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp đạt 85,74%; cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 99,2%. Cuối nhiệm kỳ, toàn huyện có 99,5% đảng viên hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định: “Trong 5 năm qua, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung được tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại...”.
Những kết quả nổi bật của huyện Gia Lâm trong 5 năm qua là nền tảng quan trọng để Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo địa phương bước vào giai đoạn phát triển mới, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành quận.
Những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ 2015-2020
* Hoàn thành và vượt kế hoạch 20/20 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
* Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,03%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,4%/năm; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 16,58%/năm.
* Thu nhập bình quân 62,5 triệu đồng/người/năm; toàn huyện không còn hộ nghèo.
* Thu ngân sách nhà nước hằng năm vượt so với dự toán được giao, đạt hơn 2.770 tỷ đồng/năm, vượt 67% so với kế hoạch.
* Nhân dân trên địa bàn huyện hiến 30.183,8m2 đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp 358,277 tỷ đồng cùng hàng vạn ngày công lao động hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới.
* Năm 2018, 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, huyện Gia Lâm được công nhận huyện nông thôn mới.
* Tháng 5-2020, Đảng bộ huyện Gia Lâm vinh dự được Thành ủy Hà Nội tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc 5 năm liền.
* Huyện Gia Lâm 5 năm liên tục được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc, 3 năm liên tục được Chính phủ tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua.
Những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020-2025
* Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức bình quân 3.200 tỷ đồng/năm, phấn đấu đến năm 2025, Gia Lâm tự bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.
* Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị, đề cao vai trò trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
* Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tiêu chí trở thành quận.
* Phấn đấu đến năm 2025, huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại.
* Về công tác xây dựng Đảng: Phấn đấu hơn 97% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên/năm; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt hơn 98%/năm; kết nạp 200 đảng viên mới/năm...