Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 40%
Chính trị - Ngày đăng : 12:05, 26/05/2020
Được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào một số nội dung, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…
Dự thảo luật cũng nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên thảo luận trực tuyến, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Nêu ý kiến về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu: Dương Xuân Hòa (Đoàn Lạng Sơn), Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh)... tán thành với việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% (tương đương khoảng 200 đại biểu) nhằm tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm, dành từ 3% đến 5% tỷ lệ đại biểu chuyên trách là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có sức khỏe, trình độ, trí tuệ, bản lĩnh, không nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, hạt nhân vận hành của Quốc hội là đại biểu. “Chúng ta đang dần chuyển Quốc hội sang hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội mà trước hết là năng lực pháp lý, năng lực lập pháp của đại biểu”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu: Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) nêu thực tế, do luật chưa quy định cụ thể nên hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội hiện chưa rõ nét, thậm chí còn lúng túng trong hoạt động, điều hành. Do đó, các đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung rõ quy định, vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bên trong, mối quan hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội và địa phương.
“Cần xem Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức đại diện cho Quốc hội thực thi các nhiệm vụ được giao tại địa phương”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu tranh luận lại cho rằng Đoàn đại biểu Quốc hội không phải cơ cấu tổ chức của Quốc hội bởi đây thực chất là hình thức sinh hoạt của các đại biểu Quốc hội, là bộ máy hành chính bảo đảm cho đại biểu Quốc hội hoạt động độc lập tại các địa phương.
Cho rằng, việc nâng cấp Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở thành một cơ quan của Quốc hội có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đánh giá, qua 16 năm, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu đã thể hiện tốt vai trò, vị trí trách nhiệm của mình, thường xuyên tiếp cận vấn đề “nóng”, vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. “Việc nâng cấp sẽ tạo vị thế tương xứng để hai ban này hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội là chế định đặc thù, song hành của Quốc hội, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động của Quốc hội. Vấn đề này hiện nay chỉ còn vướng mắc liên quan đến quản lý hoạt động của Đoàn nên dự thảo luật đã có sửa đổi để hướng đến hoàn thiện cơ chế pháp lý cho Đoàn đại biểu Quốc hội.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, về việc nâng cấp Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong phân định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, do đó các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, chất lượng khi đã có 18 ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo luật.