Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu

Đời sống - Ngày đăng : 09:49, 27/05/2020

(HNMO) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, ngày 27-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành trọn một ngày làm việc để tiến hành hoạt động giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Tuy nhiên, các vụ xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, việc để xảy ra tình trạng này là do một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.

Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Đặc biệt, công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại nhiều địa phương còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên có sự thay đổi, một bộ phận hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cấp xã. Kinh phí bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế nêu trên, trong đó một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này.

Đồng thời, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong phòng, chống xâm hại trẻ em còn chưa chặt chẽ. Mặt trái của kinh tế thị trường và những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em...

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đưa ra 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời, có kiến nghị đối với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Trong đó, Đoàn giám sát nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em; bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm, ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt từ 90% trở lên...

Mai Hữu