Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra buôn lậu, hàng giả

Kinh tế - Ngày đăng : 21:13, 28/05/2020

(HNMO) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thông báo nêu rõ, những năm gần đây, hoạt động giao lưu thương mại, sản xuất, kinh doanh ngày càng đa dạng, đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, từ đó các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại cũng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Trong những tháng đầu năm 2020, chúng ta còn phải đối mặt với sự bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội, trong đó Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lợi dụng dịch bệnh, nhiều đối tượng đã mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, nhất là với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân như lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng hằng ngày và trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch để thu lợi bất chính, gây bất ổn xã hội.

Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phát triển kinh tế vừa tiếp tục phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại, Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.

Thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn; để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 của thành phố Hà Nội cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua để có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới; xây dựng quy chế xác định trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trên từng địa bàn, lĩnh vực được giao, khi có vụ việc xảy ra phải xác định được trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị liên quan.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực 389 quốc gia và các lực lượng chức năng của Trung ương xây dựng các kế hoạch nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với một số địa bàn trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...; kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại điện tử...

Triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết hàng nhập lậu

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai..., bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, trung chuyển, tập trung vào 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố.

Làm tốt công tác thu thập thông tin, điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng thiết bị y tế, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn.

Đồng thời, phải chấp hành nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội tập trung điều tra, xác minh để xử lý dứt điểm các vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm mà các lực lượng đã phát hiện, khởi tố trong thời gian qua. Phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng để sớm đưa ra xét xử trước pháp luật; tuyên truyền kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

AT