Lợi dụng góp ý, phản biện để gây rối
Xây & Chống - Ngày đăng : 16:09, 28/05/2020
Từ những chuyện không vui…
Buổi sinh hoạt chi bộ mới đây của thôn Q đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Đảng ủy xã C trình Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 bỗng chốc biến thành một “diễn đàn kể tội cán bộ” sau khi một đảng viên khơi mào “phản biện” và kêu gọi các đảng viên khác phát biểu góp ý, phản biện. Đảng viên này nói dự thảo báo cáo chính trị đã được “tô hồng” và đưa ra những “nghi vấn” về hiện tượng tiêu cực của một số cán bộ xã. Tiếp đó là ý kiến của một số đảng viên “nói thẳng, nói thật” nhưng trong đó có cả những điều suy diễn, những điều “nghe nói”, quy chụp… Cuộc họp trở lại quỹ đạo sau khi nghe một đảng viên là cựu chiến binh đã “vào sinh ra tử” trên khắp chiến trường thời chống Mỹ cảnh báo về nguy cơ từ góp ý, phản biện có thể dẫn đến phản bội tập thể khi đảng viên suy diễn, vu cáo, bôi nhọ để “hạ bệ” một số cán bộ tốt, tạo thời cơ để những kẻ cơ hội lọt vào đảng ủy khóa mới.
Đồng chí bí thư huyện ủy ở một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ kể rằng, quy hoạch đội ngũ cán bộ ở đây được thực hiện khá chặt chẽ. Các đồng chí ứng cử tham gia ban chấp hành đảng bộ huyện khóa mới mà huyện ủy đương nhiệm giới thiệu đều nằm trong quy hoạch và đã được đào tạo bài bản, thử thách qua thực tiễn. Thế nhưng, khoảng một tháng trước ngày đại hội bỗng xuất hiện hàng loạt “thư góp ý”, “thư phản ánh”, “ý kiến tâm huyết”, “tâm thư”, "bản kiến nghị"... của đảng viên và cả người ngoài Đảng gửi đến ban thường vụ huyện ủy bày tỏ băn khoăn về ứng cử viên này, ứng cử viên nọ. Hướng dẫn số 07-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ quy định giải quyết việc khiếu nại, tố cáo, còn những góp ý, phản biện nói trên lại không được đề cập, thành thử cả ban thường vụ huyện ủy phải họp ngày họp đêm cùng với các cơ quan để trả lời. Nội dung trả lời không có gì phức tạp bởi các nhân sự đó đều đã có hồ sơ kèm theo, thế nhưng vẫn phải mất thời gian để nghe các cơ quan báo cáo, gặp gỡ người góp ý, phản biện. Đáng chú ý, trong số những người gửi “thư”, “góp ý”, “kiến nghị”... đến thường vụ huyện ủy có cả cán bộ đã nghỉ hưu trên địa bàn bị một số người xúi giục với mục đích gây rối.
Đến việc lợi dụng dân chủ để chia rẽ nội bộ
Đã thành thông lệ, trước mỗi kỳ đại hội đảng các cấp hoặc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch lại tăng cường những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đẩy mạnh âm mưu lôi kéo cán bộ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ Đảng; tình trạng đơn, thư tố cáo, phát tán thông tin không đúng sự thật dưới mọi hình thức với nhiều mục đích khác nhau diễn ra ngày càng tinh vi, đa dạng, phức tạp. Điều đáng tiếc là một số người nhẹ dạ cả tin đã vô tình mắc vào những cái “bẫy” này. Lợi dụng về quyền dân chủ trong các cuộc họp, trong việc góp ý với các tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, không ít người thổi phồng, xuyên tạc, bịa đặt đời tư cá nhân, nhằm bôi nhọ thanh danh, uy tín của đồng chí, đồng đội, lãnh đạo các cấp, các cơ quan, tổ chức Đảng, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Lợi dụng việc góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, đã có người thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm phủ nhận những thành tựu, để có thể hạn chế người ủng hộ bằng lá phiếu trong đại hội. Cũng có người lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật và việc xử lý của các cơ quan chức năng để kích động, suy đoán nhằm chia rẽ nội bộ, hình thành “phe nhóm chống đối nhau” trong nội bộ các tổ chức Đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng vì tư lợi hẹp hòi và động cơ chính trị lại lợi dụng danh nghĩa góp ý, phản biện để gây sự nghi ngờ, gieo rắc thù hận và chia rẽ mối đoàn kết trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Chúng sử dụng mọi chiêu trò, mánh khóe, lợi dụng các trang blog, web cá nhân, mạng xã hội để thổi tung ra những thông tin nhạy cảm, khó kiểm chứng, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của quần chúng, gây nhiễu loạn dư luận.
Nâng cao tinh thần cảnh giác và khả năng “miễn dịch”
Để đối phó với sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, phản động trước thềm đại hội đảng các cấp và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác và khả năng “miễn dịch”. Các cấp ủy Đảng cần chủ động thông tin đúng đắn, chính xác về các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức đại hội đảng các cấp. Công khai, minh bạch thông tin về những chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề bức xúc, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm trước thềm đại hội đảng ở cấp mình. Đây là vấn đề rất quan trọng, không nên để những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền và hoành hành trong cộng đồng xã hội rồi mới tìm cách khắc phục theo kiểu “chạy theo” tình hình. Thông tin càng cởi mở, việc kết nối thông tin trong xã hội tới mọi người dân luôn thông suốt thì càng có điều kiện để phòng, chống tin giả, tin xấu độc, bảo đảm thông tin chính thống giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng dư luận.
Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác quản lý nội bộ, kịp thời đấu tranh và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đưa ra thông tin tuyên truyền chống phá, xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Làm cho mọi người trong cơ quan, đơn vị, tổ chức có điều kiện thẩm định, đánh giá các thông tin, từ đó chủ động phản bác những thông tin sai lệch; tránh tự mình trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi, cho các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá đại hội đảng các cấp.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn hiệu quả việc “góp ý”, “phản biện” có nội dung gây rối, các tổ chức Đảng có thẩm quyền phải nâng cao trách nhiệm, giải quyết đơn, thư tố cáo một cách công tâm, khách quan, kịp thời, đúng nguyên tắc, phương châm, quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; "chạy" chức, "chạy" quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về những điều đảng viên không được làm. Trường hợp nhận thấy người gửi “tâm thư”, “góp ý”, “phản biện” có dụng ý xấu, cần phải làm rõ động cơ, mục đích để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đã đến lúc phải xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội và góp ý một cách đúng đắn, có hiệu quả. Phản biện xã hội là điều bắt buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc, công khai đối với các dự án pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, cũng phải có chế tài xử lý việc lợi dụng góp ý, phản biện để gây rối xã hội.