Hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:51, 28/05/2020

(HNMO) - Chiều 28-5, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt.

Trước thông tin Trung Quốc sử dụng công nghệ mới, hướng tới xây dựng khả năng tự cung, tự cấp cho các thực thể trên Biển Đông để đưa thêm người ra ở, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại các quần đảo này không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Bình luận về những động thái của Việt Nam nhằm đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển dịch trong thời gian tới, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhận định: “Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch, tới nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam. 

Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu, thích ứng của nền kinh tế. Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistic, tiếp tục triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả”.

Liên quan tới việc từ ngày 1-7-2020, Việt Nam sẽ cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ: “Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội ban hành vào ngày 25-11-2019, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng thị thực điện tử, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Việc ban hành nghị quyết này nhằm triển khai chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đối ngoại và bảo vệ quốc phòng - an ninh”.

Về khả năng mở lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang nghiên cứu để báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Thủ tướng Chính phủ, xem xét và quyết định thời điểm và nguyên tắc dần dần nới lỏng các biện pháp xuất nhập cảnh, nối lại đường bay, phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại và đầu tư, phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong nước và trên thế giới”.

Nguyễn Thúc