Bảo đảm an sinh xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 29/05/2020
Trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, việc chi trả hỗ trợ đợt 1 của thành phố Hà Nội cho các nhóm đối tượng là người có công; hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đã hoàn thành. Quá trình chi trả được thực hiện bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, nghiêm túc, công khai, minh bạch. Việc này được người dân đánh giá cao bởi tính nhân văn và sự kịp thời.
Bước sang giai đoạn 2, việc hỗ trợ tập trung vào những nhóm đối tượng: Lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); người bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương… Đây là những đối tượng có nhiều di biến động nên việc thực hiện chi trả có những khó khăn nhất định trong xác định đối tượng thụ hưởng do thiếu hướng dẫn đầy đủ. Song, không vì chưa có hướng dẫn mà các địa phương của Hà Nội thực hiện cầm chừng, trái lại, việc rà soát càng được làm kỹ lưỡng hơn, đồng thời linh động tìm giải pháp hóa giải phù hợp.
Nỗ lực chia sẻ với người lao động khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đồng thời phải thận trọng, tuân thủ đúng quy định.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là làm thế nào để xác định đúng đối tượng thụ hưởng. Để làm tốt điều này, việc đầu tiên là phải tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, mỗi địa phương có kế hoạch tuyên truyền ở từng khu vực dân cư để đối tượng thụ hưởng cũng như người dân hiểu, nắm được các điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc. Từ đó, việc công khai danh sách người thụ hưởng sẽ được chính người dân sở tại sàng lọc, giúp không bỏ lọt đối tượng cũng như ngăn chặn việc trục lợi chính sách.
Quá trình rà soát người thụ hưởng, cấp chính quyền cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng vì là nơi sát dân, gần dân nhất. Do vậy, người được giao nhiệm vụ này cần sâu sát, trách nhiệm, hiểu rõ quy định để triển khai hiệu quả. Đồng thời, đại diện các cơ quan chức năng tại địa phương, nòng cốt là Ban Công tác Mặt trận cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi chính sách, từ khâu rà soát đến khâu chi trả tiền hỗ trợ bảo đảm chính xác.
Một việc nữa rất cần thiết hiện nay là để thống nhất cách hiểu và phương pháp rà soát, cơ quan chức năng sớm hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn trong xác định đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, việc tập huấn nghiệp vụ cần được chú trọng để những người thực thi nhiệm vụ có đủ thông tin, dữ liệu triển khai chính sách đúng quy định.
Triển khai thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ thực sự phát huy tác dụng ý nghĩa sâu sắc của chủ trương nhân văn này trong việc bảo đảm an sinh xã hội.