Thế giới cần hợp tác và thích nghi tình hình mới sau đại dịch Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 29/05/2020
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, những mục tiêu phát triển bền vững với tầm nhìn tới năm 2030 của LHQ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay và các nước cần hợp tác để cùng nhau đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chung nhận định: Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng có thể biến thành cơ hội để các nước phục hồi kinh tế mau chóng và chiến đấu chống tình trạng toàn cầu bị nóng lên.
Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác để hỗ trợ các nước dễ tổn thương, nhất là ở khu vực châu Phi. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng, các nước cần sáng tạo và tìm ra những phương thức hợp tác mới.
Tính tới 6 giờ sáng 29-5, thế giới ghi nhận 5.876.974 người nhiễm Covid-19. Trong số này, đã có 360.649 trường hợp tử vong, và 2.574.807 bệnh nhân đã bình phục.
Châu Á
Hàn Quốc đã tạm ngừng hoạt động tất cả các địa điểm tập trung đông người ở Seoul và khu vực lân cận tới ngày 14-6. Nhà Xanh cũng khuyến cáo hạn chế hoạt động của các trung tâm dạy học và chơi game, nơi có nhiều học sinh lui tới, đồng thời áp dụng biện pháp hành chính để các cơ sở này tuân thủ nghiêm khắc nguyên tắc phòng dịch.
Động thái mới của xứ sở Kim Chi được áp dụng sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trở lại. Hiện, Hàn Quốc đã ghi nhận 11.344 ca nhiễm, tăng 79 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong gần 2 tháng qua.
Trong khi đó, Campuchia tái khẳng định việc du khách nước ngoài nhập cảnh nước này trước đó phải xin thị thực (visa) tại các phái bộ ngoại giao Campuchia ở nước ngoài và cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe do các cơ quan y tế có thẩm quyền cấp không quá 72 giờ trước thời điểm đến nước này.
Trạm kiểm soát Padang Besar tại biên giới Thái Lan - Malaysia đã đóng cửa trở lại sau khi các cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện thêm một số ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong những người Thái Lan trở về từ nước ngoài.
Châu Âu
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất dành cho Italia 172,7 tỷ euro trong số 750 tỷ euro của quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 (bao gồm 81,8 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 90,9 tỷ euro dưới dạng cho vay). Như vậy, Italia hiện là nước nhận được sự hỗ trợ cao nhất trong số các nước nhận được gói hỗ trợ từ quỹ trên.
Tại Anh, Ban tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) đã nhất trí ấn định ngày trở lại cho giải này vào ngày 17-6, với cặp đấu là các câu lạc bộ Aston Villa - Sheffield United và Manchester City - Arsenal. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Anh bắt đầu cho triển khai hệ thống "xét nghiệm và truy vết” nhằm xác định và cách ly những người nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc.
Pháp thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội giai đoạn 2. Theo đó, hầu hết các vùng trên lãnh thổ nước này đều được xếp hạng “xanh”, trừ vùng thủ đô Ile-de-France và lãnh thổ hải ngoại Guyanne và Mayotte.
Theo đó, từ ngày 2-6, nhà hàng, quán cà phê và quầy bar sẽ được mở cửa trở lại tại các vùng “xanh”. Vườn hoa và công viên sẽ được mở cửa ngay từ cuối tuần này trên toàn quốc.
Việc bắt buộc đeo khẩu trang hay không tại nơi công cộng sẽ do chính quyền từng địa phương quyết định. Rạp hát, phòng tập thể dục thể thao, bể bơi và công viên giải trí sẽ được phép đón khách trở lại từ ngày 2-6 tại các vùng “xanh” và từ ngày 22-6 tại Ile-de-France. Rạp chiếu phim sẽ hoạt động từ 22-6 trên toàn quốc. Lệnh hạn chế di chuyển trong bán kính 100 km từ nơi cư trú cũng được bãi bỏ. Sân bay Orly (Paris) sẽ mở cửa đón các chuyến bay thương mại từ ngày 26-6. Pháp cũng sẽ bắt đầu triển khai ứng dụng truy vết StopCovid từ ngày 2-6.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, Washington DC đã trải qua hơn 14 ngày ghi nhận số ca mắc Covid-19 "giảm liên tục", điều này cho phép khởi động quá trình mở cửa trở lại. Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà” được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Thành phố này dự kiến bắt đầu giai đoạn một của việc mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29-5 và kéo dài đến hết ngày 24-7.
Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, lên tới 1.766.795 trường hợp. Dịch bệnh đã khiến hơn 40 triệu người tại nước này bị mất việc làm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ Latinh, Cuba đang nổi lên trở thành điểm sáng phòng chống dịch với 87,3% số người phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đã bình phục. Thực tế này giúp Cuba đứng đầu khu vực Mỹ Latinh về tỷ lệ bệnh nhân bình phục.