Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc: Trái tim tràn đầy nhiệt huyết với những công trình

Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 30/05/2020

(HNMCT) - Hơn nửa thế kỷ cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Tất Lộc có niềm đam mê đặc biệt với các công trình xây dựng. Năm 2017, khi Nguyễn Tất Lộc mở triển lãm ảnh Dấu ấn những công trình, nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến đã dành cho ông những lời khích lệ chân tình: “Đây là một triển lãm mang phong cách ảnh báo chí đặc trưng, lột tả đầy đủ vẻ đẹp chân - thiện - mỹ ngay tại những công trình trọng điểm quốc gia mà người chụp đã dày công bám trụ, theo đuổi”...

1. Nguyễn Tất Lộc đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên, bởi ông vốn là người đam mê viết báo và từng có bài viết Cứu mạ đăng trên Báo Tiền Phong từ năm 1958, khi đang là thầy giáo làng tại quê nhà Vụ Bản (tỉnh Nam Định).

Mong muốn được đi đây đi đó ngao du cùng trang viết, ông rời quê lên Hà Nội làm công tác tuyên truyền tại Tổng cục Đường sắt (nay là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) từ năm 1960. Sau này, qua nhiều đợt chuyển cơ quan, ông vẫn đam mê viết và chụp ảnh. Thế nhưng phải đến năm 1978, khi là phóng viên Báo Xây dựng thì ông mới chính thức bước vào con đường làm báo chuyên nghiệp, để rồi sau này, đến những năm 2000 khi làm Trưởng Đại diện Tạp chí Xây dựng ở phía Nam (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh), ông mới có cơ hội được đến nhiều công trình ở trong và ngoài nước, thấu hiểu sự vất vả của những người chỉ huy công trường cũng như người thợ.

Nguyễn Tất Lộc quan niệm rằng, để diễn tả được sự vất vả, gian lao của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên thì chỉ bằng câu chữ thôi là chưa đủ; cần có những tấm ảnh đi kèm bài viết, vừa góp phần diễn tả sự thật vừa làm cho bài viết sinh động mang hơi thở sự kiện đó. Nghĩ là làm, năm 1966, ông dốc tiền tiết kiệm sắm một chiếc máy ảnh ống kính liền thân do Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất. Chiếc máy ảnh trở thành bạn đồng hành với ông trong những chuyến đi tới các công trình xây dựng, ghi lại không khí làm việc khẩn trương cùng sự nhiệt huyết của những người thợ.

Có người thắc mắc rằng tại sao rất nhiều đề tài mà Nguyễn Tất Lộc chỉ chọn chụp công trình xây dựng? Ông hồn hậu trả lời: “Vì tôi muốn có những bức ảnh độc và lạ. Những bức ảnh chân thực rất có giá trị với bạn đọc, với cơ quan báo bởi địa bàn tác nghiệp của tôi vô cùng hiểm trở. Tôi khát khao đi đến những công trình đang xây dựng để chứng kiến sự thay da đổi thịt của đất nước mình. Có nhiều hôm đang mệt, sốt nhưng khi được mời tôi vẫn hăng hái đi, đến nửa đường là khỏi ốm. Được chứng kiến công việc của những người lao động trên công trường, chứng kiến giọt mồ hôi, công sức của những người thợ đổ xuống để xây lên những công trình lớn cho đất nước, tôi thấy thương họ và mong muốn làm được điều gì đó cho họ”.

2. Những ai có dịp xem triển lãm ảnh Dấu ấn những công trình được tổ chức trang trọng tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy) cách đây 3 năm mới thấy được sức lao động của nhà báo Nguyễn Tất Lộc như thế nào. Những bức ảnh được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ chân chính bởi những dự án xây dựng nhà máy thủy điện hay nhiệt điện, dầu khí mà ông đặt chân đến đều ở khu vực núi cao, rừng sâu, biển cả với địa hình hết sức hiểm trở, nơi bão lũ bất thường sẵn sàng cuốn trôi tất cả...

Tác phẩm Thi công tuyến đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) của NSNA Nguyễn Tất Lộc.

“Có rất ít người được tận mắt chứng kiến quá trình nâng, kích, vận chuyển những khối thép khổng lồ, cồng kềnh của tổ máy có sức nặng cả nghìn tấn trong điều kiện chật hẹp dưới lòng núi thiếu không khí, thiếu ánh sáng và đầy nguy hiểm ở công trình thủy điện Hòa Bình, Yaly, Sê San 3, Nậm Chiến, Huội Quảng, Sơn La, Lai Châu... Dù bằng biện pháp nào, phương tiện hiện đại đến đâu thì cũng cần có sức lực và trí tuệ cùng lòng dũng cảm của hàng ngàn người lao động để có thể đưa được các thiết bị khổng lồ ấy vào đúng vị trí của các tổ máy... Và tôi thầm tự hào vì mình là một trong “số ít” đã chứng kiến và ghi lại giây phút vinh quang thầm lặng của những người lao động”, NSNA Nguyễn Tất Lộc xúc động chia sẻ.

Tại triển lãm Dấu ấn những công trình, công chúng không thể rời mắt khỏi những bức ảnh như: Thi công tuyến đường dây 500kV Pleiku - Củ Chi, Lắp đặt Tổ máy tại công trình Nhà máy Thủy điện Attapeu Lào, Nét đẹp ngày thường, Lắp thiết bị tổ máy số 3 thủy điện Lai Châu... Trong đó, một số bức ảnh đã từng giành giải thưởng cao như bức Thi công công trình thủy điện Lai Châu giành giải Nhất Liên hoan Ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2017 với chủ đề Trên mọi nẻo đường Tổ quốc, bức Nét đẹp ngày thường về những người thợ giỏi lắp thiết bị trên công trường thủy điện Lâm Đồng giành giải Nhất Cuộc thi ảnh báo chí năm 2016 của Hội Nhà báo Việt Nam, bức Chân dung của chiến sĩ thi đua toàn quốc trên công trường xây dựng thủy điện Hủa Na giành giải Nhất Cuộc thi ảnh báo chí năm 2017 với chủ đề Doanh nghiệp và doanh nhân...

3. Giới chuyên môn đánh giá Nguyễn Tất Lộc là một nghệ sĩ, một nhà báo cần mẫn, tận tâm với công việc. Ông luôn chia sẻ, nhiệt tình với đồng nghiệp nhưng lại khiêm nhường, ít ồn ào và không tự tô vẽ dù ông đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi. Năm 2018, khi cho ra mắt cuốn sách ảnh Những người thợ và những công trình, ông mong muốn đây là món quà tri ân những người thợ xây dựng, những nhà thầu, những chủ đầu tư đã thương yêu, quý mến, tạo điều kiện, hỗ trợ ông trong tất cả những chuyến tác nghiệp tại các công trình. 

Tuy vậy, với những gì đã làm được, ông vẫn cảm thấy trong lòng mình chưa vơi “món nợ trần gian”. Sau thành công của cuộc triển lãm Dấu ấn những công trình, ông đã tập hợp và hình thành nội dung, chương trình để tiếp tục mở triển lãm chuyên đề về chân dung những người thợ trong công cuộc lao động và xây dựng hơn nửa thế kỷ qua.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 82, tuy mắt đã mờ hơn, chân đã chậm hơn nhưng trái tim ông vẫn luôn ấm nóng và tràn đầy nhiệt huyết với những công trình. Hễ ở đâu có lời mời là ông sẵn sàng cùng với người bạn là chiếc máy ảnh lên đường. NSNA Nguyễn Tất Lộc có lẽ sinh ra là dành cho nhiếp ảnh, và niềm vui sống của ông chính là được cống hiến cho đời những bức ảnh về những công trình trọng điểm quốc gia.

NSNA Nguyễn Tất Lộc sinh năm 1938 tại Vụ Bản, Nam Định. Ông từng công tác tại một số cơ quan báo chí như Tạp chí Xây dựng, Báo Xây dựng và hiện là Trưởng phòng Biên tập tin - ảnh, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Ông đã giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về ảnh công trình và được giới chuyên môn đánh giá là một trong những người sở hữu nhiều bức ảnh về công trình nhất Việt Nam.

Gia Hưng