Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 30/05/2020
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.
Tới dự có các đồng chí: Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Dự hội nghị còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy và HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây...; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Mở đầu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ bày tỏ sự trân trọng khi nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố dù tuổi cao, nhưng với tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm với Thủ đô đã có mặt tham gia hội nghị.
Thông tin nhanh về tình hình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo lần một Báo cáo chính trị đã được Hội nghị lần thứ hai mươi hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua vào tháng 1-2020.
Từ đó đến nay, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã họp nhiều phiên, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo lần hai Báo cáo chính trị trên cơ sở tổng kết 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề và kết quả nghiên cứu của 8 đề tài thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã được tiếp thu, cập nhật các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tính đến nay, Dự thảo lần hai Báo cáo chính trị đã được hoàn thiện lần thứ chín. Đây chính là bản dự thảo được đưa ra xin ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố hôm nay.
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị, nhất là giúp Tiểu ban Văn kiện hoàn thiện về quan điểm, mục tiêu, các giải pháp lớn, bám sát Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chọn cải cách thể chế làm khâu đột phá
Thay mặt Tiểu ban Văn kiện trình bày Báo cáo đề dẫn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã làm rõ nhiều nội dung trọng yếu cần xin ý kiến các đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị chia làm 2 phần; chủ đề đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”; phương châm của đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Bên cạnh phần đánh giá tổng quát, nêu những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và 5 bài học kinh nghiệm, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp.
Về 3 khâu đột phá, dự thảo Báo cáo chính trị xác định cụ thể như sau:
Thứ nhất là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế…; xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đại biểu bám sát từng nội dung để cho ý kiến cụ thể, nhất là chủ đề, phương châm đại hội, các nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá và các nhiệm vụ giải pháp.
Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng
13 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị, cùng nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản đã có những đánh giá về chất lượng nội dung, hình thức; nêu nhiều đề xuất có giá trị giúp hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Là đại biểu cao tuổi nhất dự hội nghị, đồng chí Vũ Oanh (96 tuổi), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông nhấn mạnh, quyết nghị của đại hội không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của Thủ đô trong 5 năm tới, mà còn tác động lâu dài về sau. Do đó, Báo cáo chính trị nói riêng và văn kiện đại hội nói chung phải được chăm chút thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng cao nhất.
Góp ý cụ thể về nội dung dự thảo, đồng chí Vũ Oanh đề nghị chủ đề đại hội cần làm sâu sắc về yếu tố “Anh hùng”, đây là phẩm chất vô cùng quan trọng và chính là nguồn động lực to lớn cho Thủ đô phát triển, nhưng dường như chưa được chú trọng nhiều.
Nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đề nghị Tiểu ban Văn kiện rà soát lại các nội dung để cân đối hài hòa giữa định lượng và định tính, giúp văn bản dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn và thuyết phục. Đồng chí bày tỏ tin tưởng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố sẽ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tạo tiếng nói thống nhất trong toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vui mừng đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu; bố cục, văn phong... đều được biên tập kỹ lưỡng; nhiều phần viết sâu sắc, có tính khái quát cao. Nêu nhiều góp ý cụ thể, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh thêm phần nội dung về xây dựng Đảng trong dự thảo cần được viết sâu đậm hơn.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Khuất Hữu Sơn đề nghị Dự thảo Báo cáo chính trị chú trọng thêm nội dung khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất đai, trong đó có giải pháp khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, có cơ chế kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Nhất trí với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đề nghị dự thảo làm rõ yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thủ đô theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân, giảm áp lực cho khu vực nội đô.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đề nghị viết sâu sắc hơn phần nội dung về kết quả phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ mới ban hành được bộ sách giáo khoa đặc trưng cho các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị cơ bản đáp ứng được yêu cầu để trình ra đại hội. Tuy nhiên, nội dung vẫn hơi dài (70 trang), còn quá nhiều số liệu, nên thu gọn lại còn 50 trang, trong đó phần số liệu ưu tiên đưa vào phần phụ lục.
Nhất trí cao với Dự thảo lần hai Báo cáo chính trị, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, Thành ủy có hẳn chương trình nghiên cứu khoa học để phục vụ xây dựng Báo cáo chính trị, nên các nội dung dự thảo bảo đảm căn cứ lý luận, thực tiễn, có độ tin cậy và khoa học cao.
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây Lê Ngọc Bỉnh đề nghị bổ sung bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới công tác đào tạo cán bộ, luân chuyển cán bộ, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, từ đó việc bố trí cán bộ đã phát huy được năng lực, sở trường và cống hiến của cán bộ.
Xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị thật sự chất lượng, thể hiện trách nhiệm của Thành ủy khóa XVI
Phát biểu tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, kết quả hội nghị đầu tiên lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố rất bổ ích. Các ý kiến góp ý tại hội nghị đều thể hiện sâu sắc trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố đối với tương lai phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Không chỉ đi sâu phân tích cụ thể về hình thức, nội dung, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về quan điểm, định hướng lớn, lâu dài cho nhiệm kỳ mới. Bên cạnh đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo trong 5 năm qua của Đảng bộ thành phố, các đồng chí đã thể hiện sự yên tâm, tin tưởng về công tác chuẩn bị của thành phố đối với Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Tiểu ban Văn kiện đại hội sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ từng ý kiến góp ý tại hội nghị, song song với tiếp thu các ý kiến góp ý bằng văn bản. Tất cả hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, văn kiện trung tâm của đại hội thật sự chất lượng, thể hiện trách nhiệm cao nhất của Thành ủy khóa XVI đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong những năm tới.