Đưa sắc phong về lại cố hương

Văn hóa - Ngày đăng : 07:35, 31/05/2020

(HNM) - Sắc phong được ví như báu vật tinh thần, soi tỏ truyền thống văn hóa làng xã suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, việc bị hư hỏng, thất lạc hoặc mất trộm nguồn tư liệu cổ này là mất mát không thể bù đắp. Thấu hiểu điều này, trong những năm qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã thực hiện các cuộc tìm kiếm, sưu tầm sắc phong bị thất lạc, tổ chức dịch thuật, tìm hiểu nguồn gốc, để đưa sắc phong về lại cố hương trong sự vui mừng, xúc động của nơi tiếp nhận.

Các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử trao trả sắc phong tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Là người am hiểu văn hóa truyền thống nước nhà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, sắc phong là một loại chứng chỉ do người đứng đầu Nhà nước trong các triều đại phong kiến ban tặng cho làng, xã như một sự xác nhận tối cao về văn hóa, lịch sử, hành chính lẫn tâm linh của địa phương đó. Mất đi di sản sắc phong là mất đi một phần ký ức, một mảnh hồn làng của quê hương bản quán. “Tuy nhiên, với tính chất là cổ vật, di sản này thường xuyên phải đối diện với nguy cơ bị mai một, hư hỏng do thời gian hoặc thất lạc. Ở rất nhiều địa phương, dù công tác bảo quản sắc phong được tiến hành cẩn mật, song tình trạng mất trộm di vật vẫn xảy ra và cơ hội tìm lại rất thấp”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, một nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, sưu tầm cổ vật, gồm: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Hoàng A Sáng, đạo diễn chèo, nhà thơ Lương Tử Đức, tác giả Trịnh Hữu Sỹ... đã góp công, góp của, nỗ lực tìm kiếm, mua lại các sắc phong thất lạc; đồng thời, tăng cường vận động những người sưu tầm sắc phong, trả lại cho các địa phương. Việc tìm kiếm được thực hiện khá gian nan khi các thành viên của nhóm phải tận dụng các mối quan hệ xã hội cũng như tìm kiếm sắc phong qua các diễn đàn rao bán cổ vật...

Tìm lại cổ vật đã khó, xác định quê quán của sắc phong lại càng khó hơn. Nhóm đã tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia dịch thuật, dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Họa sĩ Hoàng A Sáng, một trong những thành viên của nhóm dự án cho biết, theo nội dung địa danh, di tích ghi trong sắc phong, mọi người tra cứu, khớp lại tên đất, tên làng, nhưng trên thực tế nhiều nơi đã có những thay đổi về tên gọi lẫn địa giới hành chính, phải mất nhiều thời gian mới xác định được đúng nơi cần đưa cổ vật trở về.

Vượt qua nhiều khó khăn, từ năm 2015 đến nay, nhóm dự án đã thu thập được hơn hai trăm đạo sắc phong, in dấu từ các triều đại nhà Nguyễn, nhà Lê..., thuộc sở hữu của nhiều làng, xã trên địa bàn Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế... Để công tác trao trả sắc phong được hiệu quả, các thành viên tiếp tục đẩy mạnh thông tin về cổ vật trên trang xã hội của nhóm. Danh sách các bản sắc phong được đưa lên mạng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng. Nhiều người trẻ hiểu biết về Hán Nôm sẵn sàng hỗ trợ dịch thuật; không ít người đang sưu tầm sắc phong cũng tự nguyện cung tiến...

“Thời gian tới, những chuyến đi như thế sẽ tiếp tục được nhóm thực hiện nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn, sẽ có thể tác động tới nhiều người hơn, để ngày càng có thêm nhiều người chung tay giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống, đưa những mảnh hồn làng trở về với nơi nó thực sự thuộc về”, ông Trịnh Hữu Sỹ bày tỏ.

Nguyễn Thanh