Hoàn thành hơn 4 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:43, 12/01/2023
Theo đó, tính từ hết năm 2022 trở về trước, trong 90 ngày đêm, Công an thành phố đã hoàn thành công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến với các chỉ tiêu đạt 100% khối lượng công việc như khai báo tạm vắng trực tuyến (đạt 100%), thông báo lưu trú trực tuyến (đạt 100%), xác nhận số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân trực tuyến (đạt 100%).
Các danh mục dịch vụ công tiếp nhận 50% hồ sơ trực tuyến và phấn đấu tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến từ ngày 1-1-2023. Theo đó công tác xóa đăng ký thường trú trực tuyến (đạt 64,38%); Đăng ký tạm trú trực tuyến (đạt 88,7%); Gia hạn tạm trú trực tuyến (đạt 69,3%); Xóa đăng ký tạm trú trực tuyến (đạt 41,5%); Tách hộ trực tuyến (đạt 83,96%); Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú trực tuyến (đạt 71,54%); Xác nhận thông tin về cư trú trực tuyến (đạt 78,99%); Đăng ký thường trú trực tuyến (đạt 90,2%).
Tính đến ngày 2-1-2023, toàn thành phố đã thu nhận được 125.066 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp đối với các trường hợp chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp, đạt 80% so với số cần phải thu nhận. Đối với các trường hợp công dân đã chết, công dân chuyển đi nơi khác, công an thành phố đang tiếp tục thu thập tài liệu để thực hiện nghiệp vụ cư trú, cập nhật, tạo biến động dân cư trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay từ đầu năm 2023, toàn thành phố đã thu nhận 4.103.091 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 66% so với chỉ tiêu (6.220.864 trường hợp). Tính đến 28-12-2022, Bộ Công an thông báo toàn thành phố đã kích hoạt tài khoản định danh mức 1 là 22.381 trường hợp, mức 2 là 598.952 trường hợp (đạt 25,6%). Công tác làm sạch dữ liệu dân cư luôn duy trì thường xuyên công tác làm sạch thông tin dân cư trên hệ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; đảm bảo thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ có hiệu quả Đề án 06/CP và quản lý nghiệp vụ.
Công an quận, huyện, thị xã đã triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến và mô hình triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú. Tại trụ sở tiếp dân của các đơn vị cũng đã bố trí vị trí lắp đặt máy móc, thiết bị để phục vụ việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện việc đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và cách thao tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để góp phần hoàn thiện các dịch vụ công theo hướng thân thiện với người dùng. Trụ sở tiếp dân đã bố trí cán bộ để hướng dẫn cách thao tác trên hệ thống để hướng dẫn người dân.
Ngoài ra, 30/30 Công an cấp huyện đã chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp UBND cùng cấp triển khai các điểm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Công an thhành phố đã triển khai mô hình điểm “Hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID”.
Điển hình, Đoàn Thanh niên Công an quận Bắc Từ Liêm tham mưu cho Quận đoàn Bắc Từ Liêm có kế hoạch phát động toàn thể đoàn viên thanh niên thành lập các tổ tình nguyện viên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID tại 22 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 146 tòa chung cư, 199 tổ dân phố, 85 trường học các cấp trên địa bàn quận. Đơn vị tổ chức mô hình điểm tuyên truyền về cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử tại phường Xuân Tảo, Liên Mạc, sau đó tiến hành nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn quận.
Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quận đoàn tổ chức lễ ra quân “Các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc giai giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030”, ra mắt 3 đội hình tình nguyện hỗ trợ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn quận. Đoàn thanh niên Công an Thủ đô đã tổ chức phục vụ người dân đăng ký định danh điện tử, các dịch vụ công trực tuyến ở Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, ở phố đi bộ Trần Nhân Tông.
Việc triển khai có hiệu quả 2 thủ tục hành chính liên thông trên môi trường điện tử gồm “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng” đang được thực hiện. Hiện tại, Công an quận Hoàng Mai đã làm việc với Bệnh viện Bưu Điện trên địa bàn triển khai thí điểm 5 máy đọc căn cước công dân gắn chíp có tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế của người đến khám chữa bệnh, đồng thời rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên toàn địa bàn quận. Đối với Bệnh viện Nam học, quận Hoàng Mai đã chủ động trang bị 10 thiết bị máy quét mã vạch căn cước công dân phục vụ khám bệnh không dùng thẻ Bảo hiểm y tế.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công an thành phố đã xây dựng bài tuyên truyền, pano, lịch, video hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân về 7 phương thức thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo hướng dẫn của Bộ Công an. Chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp các Tổ đề án 06 cấp thôn, lực lượng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… phối hợp hướng dẫn công dân thực hiện xác thực và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.