Thống nhất trình Quốc hội xem xét việc thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 11:06, 01/06/2020

(HNMO) - Sáng 1- 6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Thống nhất trình dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, gồm: Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Hà Nội phải bảo đảm khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công; cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban nhất trí với các đề nghị nêu trên của Chính phủ. Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Nghị quyết đặc thù về tài chính - ngân sách cho thành phố Hà Nội và nhất trí việc trình dự thảo Nghị quyết lên Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín với quy trình, thủ tục thông qua tại một kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ các địa phương khác cùng phát triển thì trách nhiệm của cả nước đối với Hà Nội phải xứng tầm, thể hiện sự quan tâm thích đáng hơn với Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, Hà Nội là Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, nên cần có sự đầu tư, quan tâm đặc biệt. Cho rằng các luật đã quy định về cơ chế đặc thù cho Hà Nội nhưng chưa thể bao quát được hết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.

“Thời gian qua, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự ổn định của cả nước”, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Bỏ mức trần tăng thu phí, lệ phí

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề, như: Thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí; cho phép thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cho phép thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đối với các loại phí không nên để mức trần là 1,5 lần mà mức tăng cụ thể do HĐND thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, việc tăng mức thu phí, lệ phí không chỉ bổ sung nguồn thu ngân sách mà còn để tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Thủ đô văn minh thanh lịch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên tăng phí, lệ phí tòa án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu quan điểm không nên khống chế mức tăng 1,5 lần. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý để Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bỏ trần tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí tòa án). Về một số nội dung khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm tạo cơ chế, nguồn lực chủ động phát triển Thủ đô, đồng thời thực hiện tốt những nội dung quy định trong Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Hà Nội đáp ứng đủ nguồn kinh phí phục vụ cải cách tiền lương giai đoạn 2021 - 2025

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố đến năm 2019 còn khoảng 29 nghìn tỷ đồng, năm 2020 có gần 40 nghìn tỷ đồng. Do đó, thành phố đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ cải cách tiền lương cho giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, nhiều năm qua, Hà Nội đã dành từ 300 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng/năm để hỗ trợ nhiều tỉnh, thành phố xây dựng trường học, công trình giao thông nông thôn. Hiện nay, thành phố còn 13 quận, huyện chưa đủ nguồn thu, vẫn được các quận có kết dư cân đối thu ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước lại không quyết toán các khoản kinh phí này cho thành phố. “Thành phố đề nghị được tháo gỡ vấn đề này để tăng cường hỗ trợ giữa các địa phương trong thành phố và hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp của Hà Nội hiện còn 25 nghìn tỷ đồng. Những năm qua, thành phố thu được 11 nghìn tỷ đồng từ hoạt động cổ phần hóa. Số tiền này hiện chưa nộp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất cho phép thành phố giữ lại số tiền này để xây dựng đường sắt đô thị các tuyến số 3 từ Ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40 nghìn tỷ đồng); tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc (66 nghìn tỷ đồng). Việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị này hoàn toàn lấy từ nguồn vốn của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố vẫn còn dư địa trần nợ vay. Việc tăng trần nợ vay của thành phố chỉ nhằm mục đích xử lý môi trường và đầu tư các dự án đường sắt đô thị. Thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn vốn đầu tư cho y tế, giáo dục.

Tiến Thành