Cơ hội vàng để tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 19:01, 02/06/2020

(HNMO) - Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 2-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đất nước ta đang đứng trước cơ hội vàng để nền kinh tế tái khởi động, trở lại mạnh mẽ hơn khi đã khống chế được dịch Covid-19 và khôi phục trạng thái bình thường sớm hơn so với các quốc gia khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đã 47 ngày Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch bệnh tích cực, cả nước đã triển khai thực hiện "mục tiêu kép” rất cụ thể và đạt kết quả.

Ngay từ sau khi dịch Covid-19 được khống chế, giãn cách xã hội được dỡ bỏ, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn về kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp, địa phương. Trong đó, các địa phương đều khẳng định không giảm các chỉ tiêu phát triển, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2020.

“Chính phủ không lùi bước trước khó khăn, thách thức, mục tiêu cao nhất là hoàn thành các chỉ tiêu phát triển năm 2020”, đồng chí Mai Tiến Dũng khẳng định.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong tháng 5-2020, tháng đầu tiên bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” sau giãn cách xã hội, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực. Có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4-2020 và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%. Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020... Điều này cho thấy, sau giãn cách, nền kinh tế đang dần bình thường trở lại.

Bên cạnh đó, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt hơn 122.241 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 20-5, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân vốn FDI ước đạt 6,7 tỷ USD, bằng 91,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy vậy, ở một số ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn nặng nề. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5-2020 tuy tăng 26,9% so với tháng 4-2020 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9% so với năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2020 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019; lạm phát bình quân 5 tháng tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán năm, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép”, vừa chống dịch xâm nhập từ bên ngoài, vừa tập trung khôi phục kinh tế với các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, bộ, ngành và địa phương.

Tiến Thành