Lính SBC Hà Nội - chuyện bây giờ mới kể

Giới trẻ - Ngày đăng : 10:54, 13/02/2005

Các trinh sát hình sự của Đội Phòng chống tội phạm cướp giật thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - mọi người vẫn gọi bằng cái tên quen thuộc là lính SBC (săn bắt cướp) - đang ngày đêm có mặt trên những điểm nóng ở thủ đô. Họ có thể trong vai những người chạy xe ôm, những anh chàng cửu vạn đang vật vờ ở một ngã tư nào đó và luôn phải đối mặt với nguy hiểm.

Các chiến sĩ SBC Hà Nội nhận kế hoạch công tác

Các trinh sát hình sự của Đội Phòng chống tội phạm cướp giật thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - mọi người vẫn gọi bằng cái tên quen thuộc là lính SBC (săn bắt cướp) - đang ngày đêm có mặt trên những điểm nóng ở thủ đô. Họ có thể trong vai những người chạy xe ôm, những anh chàng cửu vạn đang vật vờ ở một ngã tư nào đó và luôn phải đối mặt với nguy hiểm.

Ở Hà Nội ngày nào cũng xảy ra vài ba vụ cướp giật, có tháng xảy ra tới 70 vụ, ấy là còn chưa kể số vụ mà người bị hại không trình báo Công an. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), nay là Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, trước tình hình này mới thấy cần phải thành lập riêng một đội cảnh sát chuyên biệt đấu tranh trấn áp loại tội phạm mới nổi này. Và thế là từ tháng 10/1999, Phòng CSHS có thêm một đội cảnh sát mới có tên gọi “Đội phòng chống tội phạm cướp giật”.

Trung tá Dương Văn Giáp lúc đó đang là Đội phó Đội chống tệ nạn xã hội được điều về đây “cầm quân”. Anh bảo, hồi ấy được thăng chức mà lo ghê lắm vì anh vốn chỉ thạo mảng chống tệ nạn với các loại tú bà hay chủ sòng bạc, chứ còn cái đám nhìn thấy vàng bạc, kim cươnglấp lánh trên cổ, trên tay các bà các cô mà mắt sáng lên, cổ động đậy nuốt nước bọt ừng ực rồi xô ra mà... giật thì anh cũng chưa “nghiên cứu” nhiều. Mà không chỉ riêng anh, hầu hết anh em chiến sĩ trong đội đều từ các đội khác điều về: anh thì từ đội đặc nhiệm, anh thì từ đội chống trộm, anh thì từ đội chống tội phạm trên các tuyến giao thông...

Những ngày đầu tiên đó thật vất vả. Song song với việc nghiên cứu diễn biến tội phạm, thiết lập mạng lưới cộng tác viên, lên kế hoạch đấu tranh phá án và hàng lô các hoạt động nghiệp vụ khác, các sĩ quan trong đội còn phải tự lấy xe máy của mình, đi ra những đoạn đường ngoại ô vắng vẻ để tập "đánh võng" với mục tiêu sớm trở thành “tay lái lụa” vì một lẽ đơn giản: Muốn đuổi được cướp giật thì trước tiên phải “chạy xe” hay hơn nó. Mà bọn tội phạm cướp giật thì chạy xe liều kinh khủng, thường chúng chạy khoảng từ 80 đến 100km/giờ, dù đường phố Hà Nội chật và nườm nượp người xe như thế.

Phần vì chúng lái cứng nhưng phần vì chúng thường sử dụng các chất kích thích trước khi đi săn “hàng”, nó sử dụng “tài mà”, một loại ma túy điên - “Đuổi bắt bọn này còn ly kỳ hơn trong phim săn bắt cướp. Ngã xe, bỏng bô, thậm chí đổ máu là chuyện thường” - một sĩ quan thuộc tốp chạy xe hay nhất đội. Rồi anh kể, đội anh đã có 7 đồng chí bị thương vì tai nạn trên đường truy đuổi tội phạm. Có anh chạy xe như bay, luồn lách tài tình như kỹ xảo điện ảnh, theo dấu một thằng tội phạm tóc vàng khắp hàng chục con phố Hà Nội, đến lúc gặp được nó, vừa định ép xe để bắt thì bất ngờ bị hứng trọn một nắm ớt bột vào mắt khiến tay lái loạng choạng.

Còn chưa kịp vuốt định thần thì thình lình ôtô lao tới. Thế là người bị hất nằm gọn trong gầm ôtô còn xe thì rúm ró. Nhưng đó là chuyện cách đây 4-5 năm. Khi ấy tội phạm còn sử dụng vũ khí thô sơ là ớt bột, chứ bây giờ thì thay vì ớt bột sẽ là dao hoặc “nóng” hơn là súng. Trung tá Giáp nói, hầu như đối tượng cướp giật nào cũng có dao trong người và sẵn sàng vung lên chống trả cảnh sát khi bị bắt giữ. Có thằng khi bắt về đội rồi còn hồn nhiên đến lạnh lùng bảo: “Con dao trong túi quần cháu mới mua trước lúc đi ở phố Sinh Từ, bà bán hàng bảo đây là loại dao chọc tiết lợn sắc nhất đấy. Các chú lúc ấy mà không bắt cháu mau lẹ và thuần thục thì cháu cũng chọc cho mỗi chú một nhát rồi!".

Trung tá Hà Mạnh Hùng cho biết, anh em đội này không có ngày nghỉ, cũng chẳng có ngày lễ, cứ được lệnh là lên đường. Có chàng sĩ quan trẻ đang đi chơi với bạn gái ngoài đường tối thứ bảy, thơ mộng và tình tứ lắm, bỗng thấy cái điện thoại trong túi quần rung lên bần bật. Đồng đội gọi đi làm. Thế là bỏ luôn cả bạn gái ở đường và lao đến điểm nhận nhiệm vụ. Bộ cánh diện đi chơi với bạn gái phải trút ra thay vào đó là quần áo nhếch nhác để vào vai xe ôm chốt ở đầu đường mật phục, hễ thấy đối tượng đi tới là đuổi, hỗ trợ cho đồng đội.

Hồi khu vực mấy con đường mới mở như Liễu Giai, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt xảy ra nhiều vụ cướp giật túi xách, dây chuyền vàng, anh em cả đội phải huy động biến thành... xe ôm chốt chặn tại các tuyến đường này để đón lõng đối tượng. Có anh bịbà bán hàng nước ven đường lấy diêm ra bật lửa... đốt vía, đuổi không cho ngồi ghế của bà vì “cái chú này, người đâu mà dai như đỉa, ngồi mấy tiếng đồng hồ mà chẳng mua cho bà cái gì chỉ uống mỗi chén trà suông”.

Anh em rất nhớ vụ theo dõi đối tượng Phạm Quang Vinh ở 56 Thợ Nhuộm, đã phải thay nhau bám đối tượng 24/24 giờ để bắt quả tang. Có hôm thứ bảy, nó đi chơi chán chê khắp nơi rồi tạt vào nhà người yêu tâm sự cho đến gần 1 giờ đêm, khổ cho anh em Đội 8 cứ phải ngồi ngoài đập muỗi... chờ. Bám riết thế cả tháng trời, thế rồi cũng có kết quả. Hôm bắt Vinh, khám nhà y, thu được toàn bộ tang vật của hàng chục vụ cướp giật mà y đã gây ra, trị giá 60 triệu đồng và cả tá điện thoại di động, bà con khu phố cứ xuýt xoa phục Công an lắm vì chả ai ngờ cái thằng này là tội phạm.

Bản thân hắn đang là sinh viên Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, lúc nào cũng xức nước hoa thơm lừng và ăn mặc chải chuốt như công tử. Tối nào Vinh cũng mượn xe Dream của cha mẹ, nói là đi học thêm. Nào ngờ Vinh dong xe vào trong Cung văn hóa Hữu nghị thay biển số giả và lượn lờ khắp các phố để ra tay.

Vất vả luôn thường trực...

Nếu như trong những cuộc rượt đuổi bắt nóng tội phạm trên đường phố hiểm nguy luôn rình rập họ thì trong việc điều tra truy xét ổ nhóm, họ phải vô cùng vất vả mới tìm ra manh mối. Chỉ đơn cử một ví dụ là vụ bắt giữ ổ nhóm cướp giật do Vũ Minh Tân cầm đầu hôm 5/11/2004. Các đối tượngđều ở độ tuổi dưới 20, có đứa còn đang là học sinh. Nhóm này tỏ ra khá liều lĩnh vì có buổi chiều cùng trên một tuyến đường, chúng cướp liền 3 vụ. Ban chỉ huy đã giao cho Đội 8 phải tổ chức đấu tranh với ổ nhóm này trong thời gian sớm nhất

Qua một số biện pháp nghiệp vụ, nguồn tin đầu tiên mà Đội 8 thu thập được đó là ổ nhóm này ngoài nghiện ma túy còn... nghiện cả Internet và thường tụ tập nhau tại các điểm chat trên đường Lê Thanh Nghị. Thế là, các trinh sát trẻ đều được hóa trang thành sinh viên của Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân ngày đêm bám các điểm Net ở đây để chat. Người yêu một trinh sát trẻ chúng tôi không tiện nêu tên, thấy chàng trinh sát này tự dưng đổ đốn mê chat nên nghi ngờ chàng đang "tấp tểnh" với một cô nào đấy trên mạng.

Chàng ra sức thanh minh với nàng rằng, chàng đang rất bận vì một vụ án phức tạp. Cô nàng vẫn không nghe, thế là đôi bên đường ai nấy đi. Mãi đến khi vụ án phá xong, anh em trong đội phải hỗ trợ thêm đôi bên mới làm lành được. Trở lại chuyện điều tra ổ nhóm này, sau một thời gian chat các trinh sát đã tiếp cận được các đối tượng trong nhóm này. Thì ra, chúng quen nhau qua chat rồi hẹn nhau đến điểm chat này để tụ tập và phân công nhau đi cướp. Tài sản cướp được, chúng bán lấy tiền trả tiền chat và ăn tiêu. Sau khi nắm được quy luật hoạt động của nhóm này, chỉ huy đội mới bắt đầu cắt cử anh em bám đuôi chúng và chốt chặn ở những điểm cần thiết để khép chặt vòng vây khi truy đuổi.

Chiều 5/11, toàn bộ ổ nhóm gồm 5 tên đã bị bắt giữ. Bước đầu chúng khai nhận đã gây ra khoảng chục vụ. Trong đó, có một buổi chiều chúng gây ra liền 3 vụ: Khoảng 13 giờ 30 phút chúng cướp tại đường Lê Thánh Tông đoạn vòng ra Nhà Hát Lớn. Sau khi cướp, chúng chạy ra Thi Sách và cướp tiếp một vụ nữa. Trên đường bỏ chạy đến gần cổng Bệnh viện Việt - Xô, chúng gặp một phụ nữ cổ đeo dây chuyền to. Thấy mồi ngon, chúng lại ra tay.

Vụ truy xét hai tên Nguyễn Mạnh Cường ở Phú Thượng, Tây Hồ và Nguyễn Mạnh Hà ở Cửa Bắc, cướp giật tài sản của người nước ngoài cũng rất vất vả. Anh em trinh sát Đội 8 sau khi xác lập được đối tượng phải đeo bám chúng ròng rã cả tháng trời mới bắt được. Vất vả nguy hiểm là vậy nhưng theo Trung tá Giáp thì anh em Đội 8 vẫn không quản ngại, rất hăng say làm việc.

Đội cũng đã được lãnh đạo rất quan tâm trang bị phương tiện chiến đấu và đời sống vật chất cũng như tinh thần cho anh em. Phương tiện được trang bị, ngoài các loại vũ khí còn có 14 chiếc xe máy và 14 chiếc bộ đàm. Cán bộ chiến sĩ được phụ cấp thêm 300.000 đồng mỗi tháng. Mấy lần tôi đến Đội, thấy phòng làm việc cứ vắng hoe. Trung tá Giáp bảo: “Năm hết Tết đến rồi theo quy luật thì tội phạm gia tăng, vì thế anh em cứ phải bám mặt đường suốt ngày thậm chí suốt cả đêm nếu cần”.

Tôi hiểu, có thế thì đường phố mới bình yên được và tôi cũng đã có một con số minh chứng cho điềunày: năm 2004, kết quả công tác truy xét và bắt quả tang đối tượng cướp giật của Đội 8 đạt chỉ tiêu 200%. Tập thể Đội đang được Lãnh đạo đơn vị đề nghị Chính phủ tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba vì những thành tích mà Đội đã lập được trong những năm gần đây

Theo CAND

ANHTHU