Abu Simbel - ngôi đền vĩ đại của Ai Cập

Du lịch - Ngày đăng : 19:31, 04/06/2020

(HNMCT) - Nằm ở nơi xa xôi nhất Ai Cập, cách thành phố Aswan 300km là Abu Simbel - một trong những ngôi đền hoành tráng nhất đất nước Kim tự tháp. Ngôi đền được xem như một bảo tàng ngoài trời với giá trị kiến trúc, lịch sử to lớn và là minh chứng cho nền văn minh rực rỡ đã tồn tại bên bờ sông Nile từ hàng ngàn năm trước.

Đền thờ Pharaoh lừng danh nhất Ai Cập cổ đại Ramesses II.

Lịch sử ngàn năm

Để tới Abu Simbel kịp lúc bình minh, tôi phải khởi hành từ thành phố Aswan lúc 3h. Thành phố như không ngủ, tấp nập các loại xe du lịch di chuyển tới Abu Simbel. Xe băng qua sa mạc trên con đường độc đạo được trải nhựa thẳng băng. Tiếng gió vù vù bên tai, khung cảnh lướt nhanh qua cửa kính khi xe chạy với vận tốc gần 160km/h. Dọc đường đi có rất nhiều chốt cảnh sát, họ kiểm tra từng chiếc xe do ngôi đền cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tôi tỉnh giấc khi bình minh lên trên những đồi cát mênh mông. Mặt trời ló dần và lên cao hẳn, tròn như một quả cam khổng lồ tỏa ánh sáng giữa sa mạc bao la không một bóng cây. Khung cảnh vừa hùng vĩ vừa rực rỡ. Đó cũng là lúc tôi đặt chân đến Abu Simbel.

Thật kỳ diệu, không thể tin vào mắt mình là cảm giác của tôi khi ngôi đền hiện ra trước mắt - kỳ vĩ hơn những gì tôi hình dung. Cho tới bây giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng được người Ai Cập cổ đại làm thế nào để xây dựng nên công trình đáng ngưỡng mộ đến thế.

Abu Simbel được khởi công vào thế kỷ XIII trước Công nguyên (TCN) và mất 20 năm ròng rã mới hoàn thành. Đây là quần thể gồm hai ngôi đền được tạc thẳng vào hai ngọn núi đá nguyên khối ở vùng Nubian. Một ngôi đền thờ Pharaoh lừng danh nhất Ai Cập cổ đại: Ramesses II, và ngôi đền nhỏ hơn bên cạnh để tưởng niệm vợ ngài là hoàng hậu Nefertari. Pharaoh Ramesses II (1279 - 1213 TCN) được coi như “Pharaoh Đại đế” của Ai Cập cổ đại vì trong triều đại của mình, ngài đã trị vì và xây dựng vương quốc Ai Cập phồn vinh. Pharaoh Ramesses II đã cho xây dựng nhiều kênh đào, công trình phục vụ mục đích công cộng, cũng là người đã có công chinh phạt để mở rộng bờ cõi.

Vào năm 1959, trước nguy cơ ngôi đền bị phá vỡ và cuốn trôi bởi dòng nước sông Nile, UNESCO đã cho di dời ngôi đền tới ngọn đồi nhân tạo cao hơn mặt nước sông Nile, cách 200m so với vị trí ban đầu. Các kỹ sư, công nhân đã cắt ngôi đền ra thành từng tảng đá nặng chừng 20 - 30 tấn, sau đó lắp ghép lại chuẩn xác như ban đầu. Việc di dời này mất 5 năm và tiêu tốn 40 triệu USD. Abu Simbel được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1979.

Ngôi đền vĩ đại

Hồi hộp và háo hức, tôi bắt đầu khám phá ngôi đền Ramesses II, nơi thờ ba vị thần: Ra (thần Mặt trời), Ptah (thần Tái sinh), thần Bảo hộ Amun và Pharaoh Ramesses II. Mặt trước của đền rộng 35m với bốn bức tượng tạc gương mặt Pharaoh ngạo nghễ và uy nghiêm, mỗi bức tượng cao đến 20m. Trên đầu Pharaoh Ramesses II đội 2 vương miện thượng và hạ Ai Cập với ý nghĩa: Ông là vua của Ai Cập thống nhất. Phần đầu của bức tượng bên trái đã bị hư hại do những trận động đất, phần thân và chân bên dưới vẫn còn nguyên hình dạng.

Phía dưới chân tượng là các tượng nhỏ hơn được xác định là hoàng hậu Nefertari, 2 người con trai và 6 người con gái. Bên trong ngôi đền là các gian phòng cân đối, trong cùng là gian thờ Pharaoh Ramesses II cùng với những hình vẽ điêu khắc trên đá mô tả lại nghi lễ tế thần, các trận đánh hiển hách, tham vọng bá chủ của Pharaoh một cách sống động. Thông qua những bức phù điêu và ký tự Ai Cập cổ, các nhà khoa học đã giải mã được rất nhiều thông tin liên quan đến nền văn minh vĩ đại này.

Cách đó không xa là ngôi đền thờ nữ thần Hathor và hoàng hậu Nefertari. Mặt tiền của đền là tượng Pharaoh Ramesses II và hoàng hậu Nefertari, mỗi tượng cao khoảng 10m. Theo truyền thống của người Ai Cập cổ thì tượng hoàng hậu không được cao hơn đầu gối của Pharaoh. Tuy nhiên, Nefertari là người vợ mà Ramesses II yêu thương nhất, chính vì vậy ông đã phá lệ.

Khác với ngôi đền uy quyền của chồng, đền thờ Nefertari mềm mại và duyên dáng với những bức bích họa ca ngợi vẻ đẹp của bà và tình yêu lãng mạn giữa bà và Ramesses II. Màu sắc trên trang phục quyến rũ của Nefertari còn tồn tại cho tới ngày nay. Nefertari được thờ cùng với Hathor - nữ thần của âm nhạc, niềm vui và tình yêu. Nữ thần này được coi là chủ nhân của ngôi đền và là hiện thân của hoàng hậu Nefertari.

Cát bụi thời gian đã cuốn trôi nhiều thứ nhưng Abu Simbel vẫn là minh chứng cho quá khứ huy hoàng của nền văn minh vĩ đại. Tôi không biết nói gì hơn là ngả mũ trước những kiệt tác kiến trúc mà người Ai Cập cổ đại để lại cho đời sau.

Trần Ngọc Nga