Tranh cãi chủ quyền lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp: Điểm nóng mới ở Địa Trung Hải

Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 04/06/2020

(HNM) - Mối quan hệ vốn không được nồng ấm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lại vướng vào khúc mắc mới sau khi Ankara thông báo triển khai kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong vòng từ 3 đến 4 tháng. Đây là vùng biển giàu khoáng sản đang tồn tại tranh chấp giữa hai nước cũng như một số quốc gia khác trong khu vực.

Một tàu làm nhiệm vụ thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải.

Hy Lạp đã chỉ trích kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Athens tới Bộ Ngoại giao để phản đối.

Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias tuyên bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thăm dò dầu khí ở khu vực thềm lục địa Hy Lạp là một phần trong loạt hành động nhằm từng bước chiếm đoạt quyền chủ quyền của Hy Lạp. Cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng luật pháp quốc tế và Luật Hàng hải, ông N.Dendias khẳng định, Athens “sẵn sàng đối mặt với hành động khiêu khích mới này”.

Trên thực tế, quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu “nóng” lên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ ký Biên bản ghi nhớ với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) để phân định các khu vực hàng hải giữa hai bên, mở đường cho việc triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí sau này. Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu khu hành lang ranh giới do hai nước thiết lập không gần với đảo Crete thuộc chủ quyền Hy Lạp. Các lãnh đạo xứ sở Thần thoại cho rằng, thỏa thuận của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế vì bỏ qua sự hiện diện của đảo Crete.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, bờ biển phía Đông của đảo Crete và một nửa biển Aegean rộng gần 18.000 dặm vuông thuộc về nước này. Đây là một phần khái niệm “Tổ quốc Xanh” mà những người theo chủ nghĩa Ottoman mới trong đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thường xuyên đề cập tới.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm dầu khí là do thời gian qua, so với nhiều nước trong khu vực, Ankara có vẻ chậm chân hơn trên đường đua năng lượng. Trong khi đó, phía Đông Địa Trung Hải là khu vực có trữ lượng ước tính lên tới hơn 100.000 tỷ mét khối khí đốt và 31,7 tỷ thùng dầu thô. Với trữ lượng lớn khí đốt và dầu thô, đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn sở hữu một phần, nhất là khi chứng kiến Hy Lạp, Síp, Ai Cập và Israel đều đã nhanh chóng xác định các mỏ dầu và khí đốt dọc theo bờ biển của họ. Gần đây, Hy Lạp, Síp và Israel còn đạt được thỏa thuận bảo đảm cung cấp năng lượng cho châu Âu thông qua tuyến đường ống dài 2.000km từ Đông Địa Trung Hải. Điều này không chỉ cho phép ba quốc gia nói trên hưởng lợi tài chính từ nguồn tài nguyên dưới biển mà còn cải thiện sự độc lập của họ về an ninh năng lượng.

Bên cạnh tranh cãi về chủ quyền lãnh hải, hiện tại, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể tìm giải pháp để hóa giải mâu thuẫn về phân định biên giới tại vùng bãi bồi thuộc bờ Đông sông Evros. Cách đây 1 tuần, khoảng 35 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào khu đất này, lập doanh trại, triển khai đội hình phòng thủ. Ngay sau đó, Hy Lạp đã điều 300-400 lính tới sông Evros để củng cố lực lượng kiểm soát địa phương. Đồng thời, cảnh sát Hy Lạp cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát bằng nhiều máy quay hiện đại. Những trang thiết bị này có thể quan sát được độ sâu 12m dưới nước. Trước đó, Hy Lạp đã nhiều lần tuyên bố, việc xác định biên giới của hai nước ở khu vực bãi bồi sông Evros được đánh dấu bởi Hiệp ước Lausanne và Nghị định thư 1926.

Giới quan sát nhận định, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mục tiêu thay đổi cán cân quyền lực với các cường quốc khu vực và khẳng định tầm ảnh hưởng của nước này. Tuy nhiên, động thái của Ankara có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực trong thời gian tới, đồng thời kéo các bên liên quan vào một cuộc tranh chấp ở quy mô lớn hơn.

Quỳnh Dương