Quyết liệt dọn sim rác

Xe++ - Ngày đăng : 06:33, 05/06/2020

(HNM) - Để ngăn chặn nạn sim rác, nhà mạng cần chủ động đưa ra các giải pháp và cam kết quyết liệt cùng thực hiện nhằm xử lý triệt để vấn đề này. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý để ngăn chặn "rác" viễn thông (sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác). Đây là những nội dung được đại diện nhà mạng, cơ quan quản lý đưa ra tại hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động do Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 4-6, tại Hà Nội.

Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, đợt thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao (từ ngày 1-10 đến 20-11-2019), Thanh tra Bộ đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý và bán sim điện thoại di động.

Điển hình như nhà mạng VinaPhone, MobiFone để xảy ra trường hợp cùng ảnh chụp chứng minh thư nhân dân thực hiện giao kết hợp đồng ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhà mạng Viettel ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân không phải là nhân viên của Viettel để triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động... Đây là nguyên nhân chính khiến sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác tồn tại.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có không ít thuê bao người dùng thực tế không đúng với thông tin đã đăng ký. Thậm chí, có cá nhân đứng tên đăng ký thông tin cho vài chục nghìn thuê bao.

Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Đình Rô chia sẻ, trong đợt thanh tra diện rộng thông tin thuê bao di động, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng 777 triệu đồng; đồng thời tịch thu 6.900 sim được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Qua đợt thanh tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung một số quy định, như sử dụng thuê bao thoại thứ tư trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý…

“Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các sở thông tin và truyền thông địa phương, kiểm tra, giám sát việc mua, bán sim trên thị trường”, ông Đỗ Đình Rô nói.

Để ngăn chặn sim rác, bên cạnh việc kiểm tra, động thái mới nhất là cả 3 nhà mạng có thị phần lớn (Viettel, VinaPhone, MobiFone) đã cùng cam kết dừng bán bộ hòa mạng (KIT) mới tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý ủy quyền từ 0h ngày 1-6-2020. Thay vào đó, nhà mạng chỉ bán sim, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng. Các bộ KIT cũ vẫn được đăng ký theo quy định và bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). 

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, hiện 80% số cuộc gọi rác đến từ sim điện thoại không chính danh, do vậy, nếu không có giải pháp mạnh thì không thể ngăn chặn được vấn nạn này. “Viettel cam kết áp dụng các giải pháp chặn nạn sim rác và từ năm 2020 không đặt mục tiêu tăng trưởng phát triển thuê bao mới”, ông Tào Đức Thắng thông tin.

Trong khi đó, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng khẳng định, nhà mạng này đã nghiêm túc thực hiện việc dừng bán sim mới tại các đại lý ủy quyền. Đây là giải pháp hiệu quả ngăn chặn nạn sim rác, cuộc gọi rác; song cũng không ảnh hưởng đến các thuê bao đang hoạt động.

Còn theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, để ngăn chặn sim rác cần có biện pháp quản lý tốt hai khâu "cung" và "cầu". Trong đó, "cung" là nhà mạng, kênh phân phối và "cầu" là người dùng. “Việc các nhà mạng cùng cam kết dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối từ ngày 1-6 vừa qua là một giải pháp mạnh, cũng là hành động thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý, nhà mạng nhằm chặn nguồn rác viễn thông (sim rác, tin rác, cuộc gọi rác)”, ông Lê Văn Tuấn khẳng định.

Ông Lê Văn Tuấn thông tin thêm, trong tuần này, Cục Viễn thông tổ chức 4 cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông về ngăn chặn tin nhắn rác. Ngoài 3 nhà mạng trên, các nhà mạng còn lại cũng sẽ cam kết dừng phát hành sim mới ra thị trường.

"Dư địa cho phát triển thị trường viễn thông không còn nhiều, cạnh tranh không lành mạnh sẽ dẫn tới tình trạng chi phí tăng trong khi lợi nhuận giảm sút. Do đó, việc siết chặt công tác quản lý sim sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nhà mạng", ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Châu Anh