Giai đoạn 2021-2025: Có thể thi tốt nghiệp THPT trên máy tính ở một số nơi

Giáo dục - Ngày đăng : 15:59, 05/06/2020

(HNMO) - Ngày 5-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Thông tin đáng chú ý tại hội nghị là theo lộ trình, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 về cơ bản giữ ổn định. Từ năm 2021 đến năm 2025, kỳ thi có thể đổi mới theo hướng thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá chất lượng trên diện rộng, kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra vào ngày 9 và 10-8. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ:

Thứ nhất, chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập bảo đảm chất lượng; kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định để học sinh học tập, ôn thi không căng thẳng.

Thứ hai, các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, phân công rõ công việc, nhiệm vụ cho từng thành viên, tránh phân công công việc chung chung rồi thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu cũng có thể gây rủi ro lớn. Công tác tập huấn cho các thành viên tham gia tổ chức kỳ thi và chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi cũng cần đặc biệt quan tâm.

Thứ ba, lưu ý tới một số khâu như in sao, vận chuyển đề thi; bảo quản đề thi, bài thi và coi thi; chủ động có kế hoạch để giáo viên được tập huấn, phát huy trách nhiệm trong coi thi, tránh vì không hiểu quy chế thi hoặc có lý do cá nhân dẫn đến việc thực hiện không nghiêm túc hoặc thiếu kinh nghiệm nên xử lý tình huống lúng túng.

Thứ tư, công tác chấm thi hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận.

Thứ năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đối chiếu, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh nhằm phát hiện ra những “điểm trũng” để có chính sách cải thiện tốt hơn, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ sáu, quan tâm tới công tác truyền thông. Các Ban chỉ đạo thi địa phương, hội đồng thi, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với sở thông tin và truyền thông chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để phản ánh về kỳ thi một cách trung thực, khách quan, tránh tình trạng thông tin không đầy đủ nên không phản ánh đúng bản chất sự việc, có thể gây hoang mang, ồn ào trong dư luận.

Thống Nhất