Dồn lực giải bài toán ùn tắc giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 07:17, 05/06/2020
Ùn tắc tái diễn sau thời gian giãn cách xã hội
Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, 22 điểm ùn tắc giao thông lâu nay của thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã tạm lắng trong thời gian giãn cách xã hội, nay lại xuất hiện trong thời kỳ "bình thường mới". Cụ thể, đường Đinh Bộ Lĩnh qua Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Anh Phan Văn Anh, ở quận Thủ Đức cho biết: "Mặt đường Đinh Bộ Lĩnh khá hẹp, trong khi mật độ phương tiện lưu thông cao nên tuyến đường trở thành "điểm đen" về tắc đường. Thông thường tôi đi qua đường Đinh Bộ Lĩnh (từ cầu Bình Triệu 2 đến đường Bạch Đằng) mất hơn 5 phút, nhưng giờ cao điểm (khoảng từ 6h30 đến 9h sáng) phải mất tới 30 phút".
Tương tự, tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), kéo dài từ giao lộ Nguyễn Xí tới ngã tư Hàng Xanh cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân hằng ngày lưu thông qua đây. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, vào lúc cao điểm buổi sáng, dòng xe chen nhau nhích từng chút trên con đường này, nhất là đoạn qua ngã năm Đài liệt sĩ. Còn tại quận 4, đường Tôn Thất Thuyết ven Kênh Tẻ thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm vì có nhiều công trường xây dựng hệ thống thoát nước, làm hẹp mặt đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua đây.
Khu Nam thành phố Hồ Chí Minh cũng không khá hơn. Tất cả ngả đường từ quận 7 hay huyện Nhà Bè vào trung tâm thành phố Hồ Chí Minh dù được quy hoạch bài bản nhưng vẫn thường xuyên diễn ra cảnh tắc đường. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn một loạt “điểm nóng” ùn tắc giao thông khác nữa như tuyến quốc lộ 1A, khu vực cửa ngõ phía Tây và hàng loạt tuyến đường cửa ngõ Tây Nam, Tây Bắc (vòng xoay nút giao An Sương, Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thụ, quốc lộ 22…).
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ùn tắc từ các khu vực cửa ngõ vào tới đường nội đô thành phố là do quỹ đất dành cho giao thông thấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao cũng dẫn tới tình trạng ùn tắc...
Về các giải pháp khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố đang tập trung huy động mọi nguồn lực, tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là khâu giải phóng mặt bằng như: Mở rộng các quốc lộ 13, 1A, 22. Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã phê duyệt và thông qua kế hoạch vốn từ nhiều năm trước nhưng chưa thể thực hiện.
Cụ thể, đối với nút giao thông An Phú (quận 2), vốn được kỳ vọng giảm ùn tắc tại giao lộ giữa cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với các tuyến đường khác, thành phố Hồ Chí Minh đã lập dự án đầu tư xây dựng nút giao bằng nguồn vốn ngân sách, không chờ Bộ Giao thông - Vận tải bố trí vốn. Hay như dự án cầu Nguyễn Khoái (nối các quận 7, 4 và 1) có tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, ở phương án mới, tránh nguy cơ kẹt xe tại quận 4, dự án sẽ làm cầu vượt suốt tuyến từ đường D1, quận 7 đến quận 1 và có nhánh rẽ xuống quận 4.
"Người dân rất mong chờ dự án này, vì cầu mới sẽ "chia lửa" với cầu Kênh Tẻ, vốn là đường độc đạo lâu nay nối khu Nam thành phố Hồ Chí Minh với quận 4, quận 1, nên thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm", chị Hứa Kim Sang, trú tại khu dân cư Him Lam (quận 7) bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, UBND thành phố dự kiến tiếp tục trình HĐND thành phố một số dự án trọng điểm khác như: Làm các đoạn 1, 2, 4 để khép kín đường Vành đai 2; mở rộng các cửa ngõ thành phố (quốc lộ 22 - từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, quận 12); quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); cho phép Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ điều kiện theo quy định để nghiên cứu lập 5 đề án nhằm hạn chế tai nạn giao thông, kéo giảm ùn tắc và phát triển vận tải hành khách công cộng, từng bước kiểm soát và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân...
"Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thành phố rất mong nhận được sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới", ông Võ Văn Hoan nói.