Kiên trì các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 14:22, 05/06/2020

(HNMO) - Sáng 5-6, tại phiên giải trình do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu bổ sung, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình.

Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã rất quan tâm giải quyết các nội dung kiến nghị của cử tri thông qua phản ánh của đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ giao các cơ quan tiếp tục thực hiện đúng lịch tiếp công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc; Tòa án nhân dân thành phố xử lý, xét xử những vụ việc khiếu kiện phức tạp; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để tổ chức tốt các tổ hòa giải tại các xã, phường, thị trấn.

Bổ sung thông tin nhằm làm rõ thêm nội dung mà các đại biểu HĐND thành phố đã chất vấn, liên quan đến việc phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội hiện có 1.358 làng nghề. Hơn một năm qua, thành phố đã hoàn thành xây dựng, giải phóng mặt bằng 43 cụm công nghiệp làng nghề. Các cụm công nghiệp này được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; không tiếp nhận các gia đình ở các làng nghề vào sinh sống mà chỉ xây dựng nhà xưởng sản xuất, ưu tiên cho phát triển các nghề truyền thống, đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp sạch và công nghệ cao.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ, những năm vừa qua, thành phố cũng tập trung vào giải quyết vấn đề bức xúc như ô nhiễm tại các ao, hồ trên địa bàn thành phố, đã hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài xử lý được 90 hồ ô nhiễm nặng. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để ứng dụng các công nghệ mới, xử lý triệt để ô nhiễm tại các ao, hồ trên địa bàn. Đồng thời, UBND thành phố đã có văn bản báo cáo với Bộ Tài chính và với Chính phủ để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo cơ chế quản lý vốn đầu tư công liên quan đến thoát nước, môi trường, cắt tỉa cây xanh, thu gom, xử lý rác thải.

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết đã giao huyện Gia Lâm thí điểm ứng dụng công nghệ đèn led có cảm biến tự động chiếu sáng theo lưu lượng người tham gia giao thông. Tiến tới, thành phố sẽ nhân rộng cách làm này và quản lý toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng của thành phố bằng hệ thống chiếu sáng thông minh, bảo đảm tiết kiệm điện và quản lý tốt hơn.

Tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xử lý nước thải

Về việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi, trong những năm vừa qua, thành phố đã quản lý và làm tốt công tác duy trì cung cấp dịch vụ thủy lợi cho người dân để phát triển nông nghiệp. Trong lĩnh vực này, để quản lý chặt chẽ, đồng bộ thì phải sắp xếp lại 5 đơn vị doanh nghiệp thủy lợi. Những công ty thủy lợi này có thể tiếp tục thuê các hợp tác xã hoặc các công ty tư nhân để thực hiện cung cấp dịch vụ. “Những năm 2014 và 2015, mỗi năm thành phố chi từ 1.000 tỷ đồng đến 1.100 tỷ đồng để làm thủy lợi. Sau khi phân cấp, cơ chế này vẫn bảo đảm nước sản xuất nông nghiệp mà thành phố chỉ chi hơn 600 tỷ đồng”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu con số.

Hà Nội xác định việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, bởi hiện nay việc xử lý nước thải tại các làng nghề mới đạt 25%. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm và làm giảm chất lượng sống của người dân. Chủ tịch UBND thành phố cho biết, sẽ dành nguồn vốn ODA, nguồn lực từ ngân sách của thành phố và kêu gọi xã hội hóa để xử lý nước thải.

Song, thực tế là việc kêu gọi xã hội hóa đang gặp khó khăn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường đầu tư công, phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 100% nước thải đô thị và nước thải tại các làng nghề được xử lý.

Đối với vấn đề xây dựng các công trình nhà ở ngoài đê sông Hồng và sông Đuống, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện có hơn 800 nghìn dân đang sinh sống ở ngoài đê. Theo quy định của Luật Đê điều, thành phố không thể xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ người dân. UBND thành đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn các quận, huyện có người dân sinh sống ở ngoài đê sông Hồng và đê sông Đuống đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cho phép được xây dựng tạm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Về lâu dài, thành phố tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phân lũ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nghiêm túc tiếp thu các nội dung mà các đại biểu HĐND đã chất vấn. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; kiên trì thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để xử lý các vấn đề liên quan đến cung cấp nước sạch, cải thiện chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm môi trường, tăng cường đầu tư cho y tế và giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thành phố cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu đến ngày 30-6-2020, 100% dịch vụ công đạt mức độ 3, 30% đạt mức độ 4. Thành phố sẽ chỉ đạo Thanh tra thành phố cùng Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra công vụ để đôn đốc trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các cấp cũng như của các sở, ngành. 

Tiến Thành